Bãi biển Sầm Sơn xưa kia hoang sơ, không có tên trên bản đồ, sau đó được người Pháp xây dựng thành điểm nghỉ mát phục vụ họ và vua quan triều Nguyễn.
Bấm để lật ảnh sau/trước
Sầm Sơn xưa kia thuộc huyện Quảng Xương, có dãy núi Gầm án ngữ phía nam, ngư dân đi biển quen gọi là mũi Gầm, sau dần đổi thành núi Sầm (Sầm Sơn). Địa danh này còn được gọi là núi Trường Lệ, làng chài nhỏ dưới chân núi gọi là làng Núi hay làng Trường Lệ.
Đầu thế kỷ 20, người Pháp nhận thấy làng Trường Lệ có bãi biển đẹp, có thể phát triển thành điểm du lịch trong tương lai nên bắt đầu chú ý xây dựng thành nơi nghỉ mát phục vụ người Pháp và vua quan triều Nguyễn. Đây là thời điểm đánh dấu sự ra đời của du lịch Sầm Sơn.
Bức ảnh chụp năm 1907 cho thấy làng Trường Lệ thưa thớt nhà cửa, chủ yếu là những căn nhà lợp tranh tre nứa lá. Năm 1963, Hội đồng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định thành lập thị trấn Sầm Sơn bao gồm khu nghỉ mát Sầm Sơn và xã Quảng Sơn. Thị xã Sầm Sơn được thành lập ngày 18/12/1981 trên cơ sở thị trấn Sầm Sơn và ba xã Quảng Tường, Quảng Cư, Quảng Tiến và xóm Vinh Sơn (xã Quảng Vinh) thuộc huyện Quảng Xương.
Năm 2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập thành phố Sầm Sơn. Sau hơn 100 năm, hiện Sầm Sơn có hơn 111.000 người với 11 xã phường và dần trở thành khu du lịch nổi tiếng miền Bắc.
Bấm để lật ảnh sau/trước
Một khách sạn hiếm hoi được người Pháp xây dựng ven biển Sầm Sơn đầu thế kỷ 20. Đến nay Sầm Sơn đã có 710 cơ sở lưu trú các loại với quy mô 25.000 phòng, có thể phục vụ cùng lúc 500.000-600.000 du khách. Đường Hồ Xuân Hương là trục chính phân bố các bãi tắm lớn ở Sầm Sơn, cũng là tuyến phố có nhiều khách sạn lớn nhất địa phương.
Bấm để lật ảnh sau/trước
Cư dân Sầm Sơn xưa kia chủ yếu sinh sống bằng nghề chài lưới với các phương tiện đánh bắt thô sơ, khai thác thủy sản ven bờ.
Hiện nay một bộ phận nhỏ người dân ở đây vẫn giữ nghề truyền thống của cha ông. Phương tiện đánh bắt đơn giản như bè mảng vẫn còn song được cải tiến, gắn các loại máy móc cơ giới, giảm sức người.
Bấm để lật ảnh sau/trước
Biệt thự của Tỉnh trưởng Thanh Hóa thời Pháp thuộc được xây dựng trên mỏm đá nhô ra bãi biển thuộc dãy Trường Lệ, nay thuộc phường Trường Sơn, TP Sầm Sơn.
Hiện biệt thự không còn nhưng vị trí này trở thành điểm ngắm cảnh, check-in của đông đảo người dân và du khách khi khám phá Sầm Sơn. Đứng ở vị trí này có thể bao quát phần lớn thành phố biển Sầm Sơn về hướng Đông với các bãi tắm chính trải dọc đường Hồ Xuân Hương.
Bấm để lật ảnh sau/trước
Hòn Trống Mái – danh thắng nổi tiếng ở Sầm Sơn nằm trong quần thể danh thắng quốc gia Trường Lệ được xếp hạng năm 1962.
Người Pháp gọi hòn Trống Mái là tảng đá treo. Những năm đầu thế kỷ 20, khu vực này không có cây cối, trơ trọi sỏi đá nhưng hiện được bao phủ bởi đồi thông xanh ngát.
Bấm để lật ảnh sau/trước
Đền Độc Cước nằm trên hòn Cổ Giải thuộc dãy Trường Lệ. Được xây dựng khoảng thế kỷ 13-14, đền Độc Cước được mệnh danh ngôi đền linh thiêng bậc nhất vùng biển xứ Thanh.
Theo các tài liệu lịch sử địa phương, đền Độc Cước được xây dựng vào thời nhà Trần nhằm tưởng nhớ công lao của vị thần một chân có công lao đánh đuổi quân giặc, giữ bình yên cho làng biển. Ngôi đền gắn liền với sự tích chàng trai khổng lồ đã tự xẻ đôi thân mình để vừa đánh đuổi quỷ dữ ngoài khơi vừa đánh quân thù trong đất liền bảo vệ dân làng.
Sau nhiều lần trùng tu tôn tạo, ngôi đền cổ vẫn giữ được nền móng và những nét kiến trúc xưa. Vẻ cổ kính rêu phong, đậm màu sắc huyền bí của ngôi đền thu hút rất đông người dân địa phương và du khách đến tham quan, dâng hương, đặc biệt vào các dịp lễ Tết.
Bấm để lật ảnh sau/trước
Một góc cánh đồng ở Sầm Sơn nhìn từ núi Trường Lệ. Khu vực này hiện được quy hoạch thành các mặt bằng phân lô, chỉ còn phần nhỏ diện tích gieo cấy lúa và hoa màu.
Bấm để lật ảnh sau/trước
Một khu chợ nhỏ của cư dân Sầm Sơn đầu thế kỷ 20.
Hiện nay ngoài các chợ quy mô cấp xã phường, Sầm Sơn có khu chợ Cột Đỏ là điểm kinh doanh buôn bán sầm uất bậc nhất thành phố. Thương mại, dịch vụ trở thành lĩnh vực kinh tế chính của thành phố nhỏ nhất nước với diện tích gần 45 km2.
Toàn cảnh TP Sầm Sơn nhìn từ trên cao. Ngày nay, bãi biển Sầm Sơn thường thu hút rất đông du khách vào các kỳ nghỉ lễ dịp hè do giao thông thuận lợi và gần Hà Nội. Dịp lễ 30/4-1/5 năm nay, Sầm Sơn đón 905.000 lượt khách, tăng hơn 55.000 lượt so với năm 2023. Tổng doanh thu du lịch của thành phố biển gần 1.900 tỷ đồng.
Với khoảng 13 km đường bờ biển, hệ thống hạ tầng được đầu tư đồng bộ cộng với hàng loạt sự kiện lễ hội dự kiến được tổ chức dịp hè, Sầm Sơn đặt mục tiêu đón hơn 8,5 triệu lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng năm nay.
Bấm để lật ảnh sau/trước
Du khách ken đặc quảng trường biển Sầm Sơn dịp lễ 30/4-1/5 vừa qua. Quảng trường rộng hơn 15 ha, sức chứa hơn 10.000 người khánh thành dịp khai trương lễ hội du lịch biển Sầm Sơn 2024. Ba năm trước, khu vực này chủ yếu là vùng đất sình lầy với những căn nhà nhỏ nằm rải rác ven con kênh.