Thịt cung cấp nhiêu chất dinh dưỡng quan trọng cho cơ thể như protein, khoáng chất… Lượng thịt cần ăn mỗi ngày sẽ khác nhau đối với từng cá nhân, tùy thuộc theo độ tuổi, giới tính, sinh lý, bệnh lý, mức độ lao động…
Với một người có trọng lượng nằm trong khoảng 50-70kg, lao động ở cường độ trung bình, có thể tiêu thụ 100 gram thịt hoặc cá cho một bữa trưa hoặc bữa tối.
Những người tập luyện thể dục thể thao sẽ cần lượng thịt lớn hơn vừa để bổ sung năng lượng, vừa hướng tới mục đích tối ưu trong xây dựng cơ bắp. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cao nhóm này cũng không nên tiêu thụ quá 300-500 gram thịt đỏ/tuần; tốt nhất chỉ ăn thịt đỏ 2 lần/tuần. Nên tăng cường cá và đạm thực vật như các loại đậu trong chế độ ăn để đa dạng dinh dưỡng.
Trong chế độ ăn uống thường ngày, con người cần đảm bảo cân bằng các nhóm chất sinh năng lượng gồm đường bột, chất đạm, chất béo. Một ngày, cơ thể sẽ cần lượng đạm từ 1,1 đến 1,3 g trên mỗi kg trọng lượng. Trong đó, lượng đạm động vật nên chiếm 50% tổng nhu cầu đạm. Lượng đạm này chiếm khoảng 13-20% nhu cầu năng lượng (calo) mà cơ thể cần mỗi ngày.
Lượng thịt cần ăn trong mỗi bữa sẽ phụ thuộc vào thể trạng, tuổi tác, mức độ vận động, tình trạng bệnh… của mỗi người.
Đạm động vật đến từ các loại thịt như thịt lợn, thịt bò, thịt gà, thịt vịt, tôm, cua, cá, trứng… Đạm thực vật đến từ các loại đậu như đậu nành, đậu đen, đậu xanh, các sản phẩm từ đậu như đậu phụ, giá đỗ, yến mạch, một số loại hạt như hạt vừng (mè), hạt hướng dương, các loại rau có lá xanh đậm.
Ví dụ, một người phụ nữ khoảng 20 tuổi, nặng 56kg, cao 1,6m, điều kiện sức khỏe bình thường, không có bệnh, không mang thai, không có con bú, lao động với cường độ bình thường thì lượng đạm cần tiêu thụ có thể tính theo công thức: 56 x (1,1-1,3) tức khoảng 63-73 gram đạm/ngày. 50% lượng đạm đến từ động vật tức là cần bổ sung 34 gram đạm động vật. Trong khi đó, để có 10 gram đạm động vật, cần phải tiêu thụ 50 gram thịt. Như vậy, để có khoảng 34 gram đạm động vật/ngày, người này sẽ cần ăn 170-210 gram thịt cá.
Tiêu thụ nhiều đạm động vật có thể dẫn tới một số vấn đề về sức khỏe như làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch do lượng chất béo bão hoa đưa vào cơ thể quá lớn. Ngoài ra, tiêu thụ nhiều thịt nhưng ít ăn rau có thể làm cơ thể bị thiếu chất xơ, dẫn tới các vấn đề tiêu hóa, làm tăng nguy cơ mắc bệnh về thận.
Trẻ nhỏ, thanh thiếu niên không được bổ sung đủ đạm sẽ gây ra tình trạng chậm phát triển thể chất. Ngoài ra, các bé có thể đối mặt với vấn đề thiếu máu do thiếu vitamin B12, axit folic, sắt…