Năm 2009, ba mất sau một lần đi biển. Đầu năm 2016, mẹ em cũng ra đi vì căn bệnh u não, mẹ qua đời chưa đầy 13 ngày thì người anh trai của Lực lại mất sau vụ tai nạn giao thông thương tâm. Mới 13 tuổi đầu nhưng Lực đã phải gánh chịu quá nhiều đau thương, mất mát và giờ đây em vừa phải lo cho bản thân lại vừa chăm sóc người anh tâm thần.
 Về thôn Cồn Sẻ, hỏi nhà cô bé Mai Thị Lực (13 tuổi, học sinh lớp 7, Trường THCS xã Quảng Lộc) mồ côi cả cha lẫn mẹ, ai ai cũng mủi lòng xót thương và nhiệt tình chỉ đường. Qua nhiều lối nhỏ ngoằn ngoèo, chúng tôi đã tìm được căn nhà nhỏ dựng tạm lên bởi những tấm ván gỗ tạp bao bọc xung quanh, về mùa hè thì nóng ran, còn mùa mưa thì nước dột khắp nơi. Lực sinh ra trong một gia đình nghèo tại làng chài ven sông, trong sự đùm bọc của ba, mẹ và tình thương của những người anh. Thế nhưng, niềm hạnh phúc của cô bé Lực không hề trọn vẹn khi những tại họa liên tiếp ập đến.

Căn nhà tạm bợ của hai anh em Lực liêu xiêu trước gió
Đó là vào năm 2009, anh Mai Uỷ (ba em Lực) đi biển mưu sinh, và đó cũng chính là lần đi biển cuối cùng của người đàn ông xấu số. Khi mà nỗi đau mất ba còn chưa nguôi ngoai với cô bé Mai Thị Lực thì vào đầu năm 2016, mẹ của em là chị Nguyễn Thị Phú cũng ra đi sau một tháng phát hiện bị căn bệnh u não. Sớm mất ba, mẹ chẳng còn, niềm hy vọng lớn nhất của Lực là trông cậy vào người anh cả.Thế nhưng, nghiệt ngã thay, mẹ mất mới được 13 ngày thì người anh trai Mai Văn Phong cũng qua đời sau một vụ tai nạn giao thông thương tâm. Sau khi người anh trai mất, tương lai dường như đang dần khép lại với cô bé 13 tuổi đầy đau khổ này, bởi giờ đây em vừa phải lo cho bản thân lại vừa chăm sóc lo cho người anh kế là Mai Văn Tiến bị chứng bệnh tâm thần từ nhỏ. Chứng kiến gương mặt vô hồn của Tiến và hình ảnh đứa em gái nhỏ hết lòng chăm sóc cho người anh tâm thần, không ai không khỏi chạnh lòng xót thương.

Trong căn nhà nhỏ ấy có đến 3 di ảnh chết trẻ, khói hương nghi ngút
Trưa hôm ấy, tôi đã không thể cầm nổi lòng mình khi chứng kiến bữa trưa của hai anh em Lực chỉ vỏn vẹn có hai gói mì tôm. Dù rất đạm bạc, nhưng Lực cố nhường cho người anh tâm thần ăn phần nhiều để không bị đói. “Ba mẹ mất rồi, anh cháu lại bị như vậy nữa nên cháu phải lo cho anh, ông bà nội ngoại cũng đều qua đời, anh em họ hàng thì ở xa và nghèo nên cũng không giúp đỡ được chi nhiều, hàng xóm thỉnh thoảng cũng có người qua lại giúp đỡ cho anh em cháu cân gạo, nhưng giờ điều cháu lo nhất là sắp tới mùa mưa bão, nhà lại lụp sụp nên rất sợ bị sập”.

Dù chỉ là gói mì tôm thôi, nhưng cô bé Lực cũng xúc cho người anh mắc bệnh tâm thần phần nhiều để anh ăn kẻo đói

Bữa trưa của Lực và Tiến chỉ là gói mì tôm của người hàng xóm tốt bụng mang sang cho

Khi được hỏi về ước mơ hiện tại của mình, cô bé Lực thỏ thẻ với tôi rằng: “Giờ cháu chỉ mong được tiếp tục đi học như các bạn, sau này có được một việc làm ổn định để tự nuôi bản thân và chăm lo cho anh trai, và cháu cũng muốn có được căn nhà kiên cố nho nhỏ để trú ngụ những ngày nắng nóng hay mưa bão”.

Mới 13 tuổi thôi, nhưng nhìn cô bé Lực rắn rỏi hơn hẳn bạn bè cùng trang lứa. Có lẽ vì em đã phải trải qua những đau thương, mất mát lớn nhất trong cuộc đời, những người thân lần lượt ra đi, để lại hai anh em mồ côi nương tựa vào nhau.

Lực là một học sinh chăm ngoan, học giỏi, liên tiếp 7 năm liền em đều đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Thế nhưng, với hoàn cảnh hiện tại, cái ước mơ được đi học và sau này có một việc làm ổn định để tự nuôi bản thân và người anh tâm thần của Lực cũng đang đứng trước nguy cơ “đứt gánh” giữa đường.

Nhà nghèo, ba mẹ mất sớm nhưng năm nào Lực cũng đều là học sinh khá, giỏi của trường
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Cương, Trưởng thôn Cồn Sẻ cho biết: “Gia đình cháu Lực rất đau thương và vô cùng khó khăn. Tội cho cháu đã mất cả bố lẫn mẹ, giờ lại phải chăm sóc người anh tâm thần, không biết rồi đây có tiền để đi học nữa không. Địa phương, chính quyền cũng đã rất quan tâm, động viên, nhưng cũng chỉ giúp được phần nào. Hy vọng thông qua Báo Dân trí, các nhà hảo tâm, cộng đồng xã hội sẽ quan tâm, giúp đỡ để hai anh em cháu Lực có được cuộc sống đỡ vất vả hơn”.

Trước khi chia tay cô bé Mai Thị Lực, nhìn lên 3 tấm di ảnh trong căn nhà tạm bợ trống hoác, khói hương nghi ngút và nghĩ đến tương lại mù mịt phía trước của hai anh em Lực, trong tôi cứ day dứt, rơi lệ trước tình cảnh éo le cô bé 13 tuổi học giỏi, nuôi người anh tâm thần sống lay lắt trong căn nhà tạm bợ, cầm cự qua ngày bằng những cân gạo, gói mì tôm của người thân và những người hàng xóm tốt bụng. Rồi đây, tương lai các em sẽ đi về đâu khi mà người ba, người mẹ đã không còn bên cạnh để chăm sóc, đỡ đần? Câu hỏi ấy cứ ám ảnh mãi trong tôi…