Trong căn nhà nhỏ rách nát, cậu học trò lớp 11 ở Thạch Hà (Hà Tĩnh) từ khi chào đời đã phải sống chung với tiếng khóc, cười, la hét, chửi bới… của 3 người tâm thần là ông bà ngoại và người mẹ đẻ. Gia cảnh khốn khó dù cố “bám” theo cái chữ, nhưng e rằng quá khó cho em khi mà hàng ngày miếng cơm cũng chưa đủ no.
Gia đình “trời đày”
Chúng tôi tìm đến hoàn cảnh “gia đình trời đày” của em Nguyễn Văn Nam (SN 1995, ở xóm 1, xã Thạch Thắng, hiện là học sinh lớp 11 trường THPT Nguyễn Trung Thiên) khi chỉ có 2 bà cháu ở nhà. Bên trong căn buồng, nghe tiếng của một cụ bà lúc thì nói, lúc hát, lúc chửi bới vô cớ chỉ mới nghe cũng đủ biết là người không bình thường.
“Bà ngoại em đó, bà cứ cười, nói nhảm, hát hò, chửi bới suốt ngày. Bà bị tâm thần lâu nay rồi.” Nam cho biết.
Hiện Nam đang sống với ông bà ngoại và mẹ đẻ. Nhưng buồn thay, cả 3 người đều bị tâm thần. Ông ngoại là ông Nguyễn Văn Đa (80 tuổi), bị tâm thần từ hàng chục năm nay. Bà ngoại là Dương Thị Tẻo (79 tuổi) cũng không bình thường từ nhỏ.
Mẹ của cậu bé là Nguyễn Thị Thanh (50 tuổi) cũng bị tâm thần bẩm sinh. Nam chính là “sản phẩm” của những chuyến đi lang thang ngủ giữa đường, giữa chợ của mẹ.
Cậu bé còn có một người em gái (SN 1997), sau khi sinh ra, nhà nghèo, nên mẹ đã cho một người ở Hà Nội xin về làm con nuôi.
Ông bà Tẻo sinh 4 người con thì có 3 người tâm thần. Ngoài người con đầu (mẹ của Nam) còn có anh Nguyễn Văn Bính (SN 1965), bị tâm thần từ nhỏ nhưng may mắn vẫn lấy được vợ có con. Cô con gái út cũng bị tâm thần bẩm sinh chết năm 17 tuổi khi bị rơi xuống hồ nước.
Nói đến gia đình bà Tẻo, người trong làng ai cũng chưa xót cho hoàn cảnh của họ. Người ta vẫn thường gọi hoàn cảnh của ông bà là “gia đình trời đày”
Trông chờ… người điên
Trong căn nhà vốn đã nhỏ rách nát, lại còn ngổn ngang bừa bộn do “bài trí, sắp đặt” của người điên khiến ai bước vào nhà cũng lắc đầu ngán ngẩm.
Ngay tại phòng khách, chỉ có 1 chiếc bàn và cũng duy nhất được 1 cái ghế để cho Nam ngồi học. Khách đến không biết ngồi ở đâu. Ngay bên dưới bàn là 1 bếp củi vùi tro nhơ nhớp. Bên cạnh là 2 can nước và mấy bó củi dựng sẵn. Khi chúng tôi hỏi tại sao lại nấu ăn ngay ở phòng khách, em Nam cho biết: “Có bếp bên hồi nhà nhưng ông không nấu mà lại cư nấu ở đó, em nói đừng nấu đó mà ông không chịu nghe.”
Căn buồng chật chội được ngăn với gian ngoài bằng chiếc chiếu rách. Bên trong đặt 2 chiếc giường nhỏ. Cả hai đều để màn buông, trên đó, áo quần sờn, rách cứ vứt ngổn ngang, bừa bộn.
Từ nhiều năm nay, việc ăn, học của em Nam chỉ biết trông chờ vào bữa cơm, bữa cháo, những đồng tiền lẻ của 3 người tâm thần đi lang thang các chợ, người ta thương rồi cho.
Vài năm lại đây, sức khỏe của bà ngoại yếu đi, bệnh lại nặng thêm nên bà chỉ nằm ở nhà nói nhảm, chửi bới.
Cuộc sống với “vườn không nhà trống” không ruộng, không tiền, hiện hàng ngày hai bà cháu chỉ biết trông chờ vào những chuyến đi lang thang của 2 cha con tâm thần rồi ai cho gì thì ăn nấy.
Nhiều lúc cả hai người “điên” đi rồi ngủ ở đường, ở chợ không về. Đã nhiều lần khi cả hai người cùng về nhà mà chẳng ai cho được miếng gì nên việc hai bà cháu lại phải ôm bụng đói nằm vật vờ đã quá quen.
Để chủ động hơn, một buổi đến trường, một buổi về nhà Nam đi chăn bò thuê cho người trong làng để đổi gạo nhưng xem ra cũng chẳng đủ cơm cháo qua ngày. Khi miếng ăn hàng ngày còn bữa có, bữa không nên việc học của Nam cũng trở nên quá mong manh.
“Khổ quá anh ạ, nhiều lần em định bỏ học nhưng thầy cô thương, cứ đến động viên nên em gắng học để kiếm cái bằng tốt nghiệp cấp 3 mà không biết có gắng được không nữa. Đáng ra không học thì em đi làm thuê, làm mướn nuôi mẹ, ông bà, đằng này em lành lặn mà lại chỉ biết trông chờ người bệnh…” Nam buồn bã.
Box: “Hoàn cảnh của cháu Nam là rất đáng thương. Nhà 4 người mà có đến 3 người tâm thần. Trong đó, 2 ông bà đã già yếu. Đó cũng là gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhất và thuộc hộ nghèo nhiều năm nay. Mong rằng có những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ hoàn cảnh của cháu.” Ông Hồ Khắc Tùng, Trưởng xóm 1 cho biết.