Tuấn Huy là chàng trai bị bại não. Nhờ 16 năm đồng hành của mẹ mà Huy đã tốt nghiệp kỹ sư công nghệ thông tin loại khá và đang thử việc ở bộ phận IT trong một công ty kiểm toán.

Nhân dịp sinh nhật lần thứ 27 của mình, Ôn Tuấn Huy lấy bao lì xì đỏ bỏ ít tiền của mình để tặng mẹ. Chàng trai bị bại não với tỉ lệ khuyết tật 81% nắn nót từng nét chữ trong khi tay và cổ hơi co cứng. Ít phút sau, Huy viết xong lời chúc, cười toe toét và bò tới chỗ mẹ đang ngồi may đồ trong căn nhà nhỏ trên đường Cao Thắng, quận 3.

“Chúc má vui vẻ trong cuộc sống. Phát tài phát lộc…”, Huy viết.

“Nhiều năm rồi, hễ đến sinh nhật của mình, em đều lì xì má và ghi lời chúc. Má không chỉ là người sinh ra em mà còn giúp em trưởng thành, có công việc như ngày hôm nay”, Huy cố gắng phát âm từng chữ một. Người lạ lần đầu tiếp xúc sẽ cảm thấy khó nghe, nhưng mẹ em – bà Lương Ngọc Chí, 54 tuổi, hiểu cặn kẽ từng lời con trai nói.
Người mẹ nuôi con bại não thành kỹ sư công nghệ thông tin - 1Nét chữ của Huy viết lời chúc tặng mẹ dịp sinh nhật mình (Ảnh: Diệp Phan).

Cả nhà cùng đi học

27 năm trước, đứa con đầu lòng Tuấn Huy vừa chào đời đã được chẩn đoán bị vàng da. 3 tháng tuổi, cơ thể em mềm oặt, không thể lật, lẫy như những trẻ cùng lứa. Đến 4 tháng tuổi, bà Chí bồng con đi khám thì bác sĩ bảo em bị bại não.

Chưa từng thấy đứa trẻ nào mắc bệnh giống con mình, ban đầu người mẹ trẻ hoang mang nhưng cũng sớm lấy lại bình tĩnh. Bà mua sách về đọc để biết cách chăm sóc con. Cùng với sự hỗ trợ của ông bà ngoại, cả nhà cùng nhau tập vật lý trị liệu cho Huy. Mãi hơn 1 tuổi Huy mới bắt đầu biết lật, 2 tuổi mới biết xoay xở để tự ngồi dậy.

Đến tuổi đi học, cậu bé Huy không đến trường. Mẹ và ông ngoại là những người thầy đầu tiên dạy em làm toán. Tay chân co quắp, hạn chế vận động và nói không rõ nhưng bù lại Huy thông minh và thích, ham học. Sau khi ông ngoại giảng giải cách cộng trừ nhân chia, em nghe và ghi nhớ. Sau đó, ông ra đề bài, ghi các đáp án lên tờ lịch và hỏi thì thấy cậu bé đều lập tức chỉ đúng đáp số.

“Thời điểm đó mà con học trường chuyên biệt đến hơn 2 triệu/tháng. Tôi là thợ may, ba Huy thì làm nhân viên giao hàng nên không dám mơ sẽ cho con đi học. Tôi ở nhà cố gắng chỉ dạy để con đỡ buồn thôi”, bà Chí miệng khô đắng, hồi tưởng về những ngày đầu nuôi con.
Người mẹ nuôi con bại não thành kỹ sư công nghệ thông tin - 2

Huy và mẹ chụp hình kỷ niệm dịp Tết năm nay (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Năm con lên 9 tuổi, bà Chí biết và đăng ký cho con học ở Trung tâm bảo trợ, dạy nghề & tạo việc làm cho người tàn tật không mất phí. 3 năm đầu, Huy học chương trình đặc biệt cho trẻ khuyết tật. Đến năm lớp 4, em được học chương trình giống các học sinh bình thường. Những năm đó, bà Chí nhờ dì ruột đưa em đi học bằng xe ôm. Cháu học, dì cũng kề cận sát bên để hỗ trợ. Năm lớp 4, nhà trường đề xuất sẽ chăm lo hoàn toàn cho học sinh ở trường, không cần phụ huynh theo cùng.

“Lúc đó, tôi không dám mơ con sẽ học được đến đâu, trở thành người như thế nào. Tôi chỉ mong con có ít kiến thức, có môi trường để tiếp xúc với bạn bè. Con khuyết tật mà mình đòi hỏi con quá nhiều là không được”, bà Chí tâm sự.

Huy cũng thú nhận, bản thân chỉ thích được đi học nhưng chưa hề có định hướng. Năm học lớp 7, một lần, cậu bé nghe được có người nói rằng người khuyết tật dù có học giỏi bao nhiêu cũng không làm được gì.

“Giây phút đó, em biết bản thân cần làm gì. Em muốn chứng minh rằng người khuyết tật như em không vô dụng, Huy chia sẻ.

16 năm đi tìm 1 cơ hội

Nỗ lực để chứng minh của Huy đó là thành tích 12 năm học sinh giỏi. Ngưỡng cửa đại học rộng mở khi Huy làm thủ tục xét tuyển vào ngành công nghệ thông tin, chuyên ngành kỹ thuật phần mềm của trường Đại học Sài Gòn. Chàng trai chọn ngành này bởi thấy phù hợp với bản thân, trường đại học thì gần nhà, tiện di chuyển.

Thế nhưng, 4 năm đại học trôi qua không hề dễ dàng. Huy và người đồng hành là mẹ vẫn phải tiếp tục vượt nhiều khó khăn.

Ngày đầu đẩy xe lăn cùng con bước qua cổng trường, lòng người mẹ vừa rạo rực, vừa hồi hộp lo lắng. Thời trẻ, bà cũng từng có ước mơ học đại học nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên không thực hiện được. Sau khi biết tin con bị bệnh, bà cũng chưa nghĩ một ngày cậu bé có thể thay mẹ thực hiện ước mơ.

Sau những phút giây bồi hồi đó, bà lại lo lắng tột độ vì xung quanh không có sinh viên nào giống Huy. Người mẹ sợ con không chép bài kịp, không nắm bắt bài được và không hòa nhập được với bạn bè…

“Một tá nỗi sợ ập đến trong đầu tôi. Phải chi trong lớp hay trong trường có một bạn như Huy thì tôi đỡ thấy lạc lõng”, người mẹ tâm sự.
Người mẹ nuôi con bại não thành kỹ sư công nghệ thông tin - 3Ba mẹ và em trai đến trường nhận bằng tốt nghiệp cùng Huy hồi tháng 10 năm ngoái (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Ngày đầu tiên đi học, Huy phải di chuyển lên tầng 5 mà dãy giảng đường không có thang máy. Chẳng còn cách nào khác, bà Chí cùng người dì dìu con ra khỏi xe lăn, nhấc từng bước chân cậu lên bậc thang. Tới nơi, mồ hôi ướt đẫm lớp áo mỏng nhưng chưa kịp nghỉ ngơi, hai người phụ nữ lại vội đặt Huy ngồi được giữa hành lang, lật đật chạy xuống xách xe lăn lên đẩy con vào lớp cho kịp giờ.

Hôm sau, bà Chí đến phòng công tác sinh viên, nhờ hỗ trợ sắp xếp lớp Huy ở tầng thấp nhất có thể.

Sau này, cứ trước mỗi lần đăng ký môn học, 2 mẹ con phải ngồi tính toán, sắp xếp thời khóa biểu. Nếu một ngày học 2 môn thì phải chọn giờ học sát nhau để dễ di chuyển. Mỗi lần như thế, bà Chi thường nấu cơm mang đi. Tới giờ nghỉ, mẹ con cùng nhau ăn.

“Sau này quen, tôi đưa con đến lớp xong thì về nhà may đồ. Đến giờ tới đón con thì bạn bè đã giúp đưa Huy xuống tầng trệt để về”, bà Chí chia sẻ.

Nhiều lần đưa Huy đi học xong phải về nhà lo cơm nước, may đồ rồi lại lật đật đón con, bà Chí say nắng, kiệt sức. Thấy mẹ mệt, Huy lúc nào cũng lo lắng, hỏi thăm và động viên mẹ.

“Điều mà em sợ nhất đó là mẹ em bệnh”, Huy nói.

Vì không thể ghi chép nhanh nên cách học của chàng sinh viên là ghi âm để về nhà nghe lại. Bà Chí còn chuẩn bị cho Huy giá đặt điện thoại để quay video thầy cô giảng bài khi cần.

Trong những bài thi cần phải viết ra giấy, Huy luôn được các thầy cô tạo điều kiện tăng thời gian làm bài khoảng 15 phút. Những nét chữ không đẹp nhưng rõ ràng của cậu, thầy cô có thể đọc hiểu.

“Thấy tôi đẩy Huy đi học, nhiều thầy cô ở các khoa khác đều nở nụ cười, gửi lời động viên, giúp tôi có thêm sức mạnh đồng hành cùng con. Huy có thể hoàn thành 4 năm đại học, ngoài sự nỗ lực của bản thân còn có nhiều sự giúp đỡ của các thầy cô và bạn bè”, bà Chí chia sẻ.
Người mẹ nuôi con bại não thành kỹ sư công nghệ thông tin - 4Tuấn Huy đón Giáng sinh tại công ty anh đi thực tập hồi năm ngoái (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Đến kỳ thực tập, Huy được thầy cô tạo điều kiện cho thực tập tại khoa. Sau đó, Huy nhận được học bổng của Quỹ Thắp Sáng Tương Lai (Lighting up your future- LUYF) mùa 8 của công ty Deloitte Việt Nam. Cuối tháng 3 năm ngoái, chàng sinh viên được công ty nhận vào thực tập.

Cuối tháng 10 năm ngoái, tại buổi lễ trao bằng tốt nghiệp ở trường. Sau phần vinh danh 5 sinh viên tiêu biểu, Huy được gọi tên lên nhận bằng với lời chúc đặt biệt nhất: “Chúc mừng tân kỹ sư Ôn Tuấn Huy. Với sự cố gắng, bạn đã đạt học bổng toàn phần của công ty Deloitte và được nhận vào bộ phận IT của công ty thực tập. Đây là 1 trong 4 công ty lớn trong ngành Kiểm toán”.

Lời chúc đến với chàng cử nhân khiến nhiều người trong hội trường xúc động, thán phục.
Người mẹ nuôi con bại não thành kỹ sư công nghệ thông tin - 5Tuấn Huy và mẹ tại nhà hôm 18/2 (Ảnh: Diệp Phan).

Muốn đền đáp những giúp đỡ của doanh nghiệp, dịp Tết năm 2022, Huy nói với bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên  – Deloitte Vietnam: “Con muốn phụ công ty chút việc, có gì cho con phụ không ạ?”. Huy ngỏ ý, vì nghĩ muốn làm gì đó để đền đáp vì  công ty đã trao học bổng. Không ngờ, bà Thanh cho em cơ hội việc làm.

Cậu bé Huy ngày nào mẹ còn ẵm ngửa, dặt dẹo trên tay giờ đã mặc bộ đồ chỉnh tề, đeo thẻ nhân viên, đi làm đầy hãnh diện. Chàng trai chia sẻ, trong quá trình học tập và làm việc từng nghe nhiều người bạn đồng cảnh than thở rằng khó xin được việc dù có bằng cấp và khuyết tật không nặng bằng Huy. Lý do, theo Huy, có thể là bản thân họ còn e ngại, sợ không làm được việc hoặc phía doanh nghiệp không muốn tuyển và loại hồ sơ người khuyết tật “từ vòng gửi xe”.

“Em nghĩ, để thành công, đầu tiên em cần phải nói đồng ý trước cơ hội mình có, đừng nói không. Khi nói không nghĩa là có 0% thành công. Nếu đồng ý thử thách thì sẽ có 50% cơ hội thành công rồi. Em luôn nỗ lực để chứng tỏ bản thân, chỉ cần được trao cơ hội, em sẽ cố gắng chứng tỏ khả năng của bản thân”, Huy nhắn nhủ.