hững năm 1960-1970, người Sài Gòn không ai không biết đến cái tên Thanh Nga, một mỹ nhân tài sắc vẹn toàn, được mệnh danh là “nữ hoàng sân khấu”. NSƯT Thanh Nga tên thật là Nguyễn Thị Nga, sinh ngày 31/7/1942 tại Tây Ninh. Cô từng là một tên tuổi chói sáng trong sân khấu cải lương nói riêng và văn hóa nghệ thuật nói chung.

Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật nên ngay từ nhỏ, cô đã được thừa hưởng tố chất của một người nghệ sĩ. Năm 12 tuổi, cô vào vai bé Nghi Xuân trong vở Phạm Công – Cúc Hoa. Từ năm 16 tuổi, Thanh Nga trở thành một “ngôi sao sáng” của làng cải lương miền Nam nhờ hội tụ đầy đủ thanh sắc của một đào hát.

Cô từng đoạt giải Thanh Tâm triển vọng với vai sơn nữ Phà Ca trong tuồng Người vợ không bao giờ cưới. Năm 1966, nghệ sĩ đoạt giải Thanh Tâm xuất sắc với vai Giáng Hương trong vở Sân khấu về khuya.

Hơn 20 năm hoạt động nghệ thuật, tên tuổi Thanh Nga gắn liền với nhiều vở cải lương gây tiếng vang như Tiếng trống Mê Linh, Nửa đời hương phấn, Bên cầu dệt lụa, Phụng Nghi đình, Thái hậu Dương Vân Nga, Tiếng sóng Tiêu Tương…

Thanh Nga có chất giọng và phong cách diễn xuất được người trong nghề đánh giá là đặc biệt. Bà quyến rũ khán giả bằng giọng ca mùi mẫn, đầy cảm xúc, khi thanh thoát, khi day dứt cũng có lúc bi ai nhưng rất chân phương. Đến tận ngày hôm nay, giọng hát và cách diễn của bà vẫn được xem là chuẩn mực để thế hệ nghệ sĩ ngày sau học tập.

Không chỉ nổi tiếng bởi tài năng thiên bẩm trong lĩnh vực sân khấu, NSƯT Thanh Nga còn được nhiều người biết đến như một mỹ nhân của Sài Gòn. Gương mặt trái xoan thanh tú, nụ cười duyên dáng, suối tóc dài suôn mượt và đặc biệt là đôi mắt đen huyền, long lanh biết nói giúp cô thành công thể hiện các vai diễn khác nhau.

Nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu – người từng chụp nhiều ảnh chân dung và sân khấu của nghệ sĩ cải lương nổi tiếng từng chia sẻ: “Nói không quá, Thanh Nga là nữ nghệ sĩ có sức hấp dẫn và tỏa ánh hào quang khi xuất hiện. Mỗi lần chụp ảnh, chỉ cần đèn bật lên, gương mặt cô ấy tỏa sáng lung linh. Khi ấy, tôi không quá khó khăn để có bức ảnh đẹp ở tất cả các góc mặt”.

Ngay khi mới lớn, Thanh Nga đã xinh đẹp bội phần, lại có cốt cách thanh thoát, quý phái, mềm mại, đúng chất “con nhà nghệ”, đến từng dáng đi, cử chỉ cũng chuẩn mực.

“Thanh Nga nổi tiếng, có lượng fan hùng hậu nhưng ở cô ấy không tỏ vẻ ngôi sao kiêu kỳ. Ai tiếp xúc với Thanh Nga cũng thấy phong cách thanh lịch, nhẹ nhàng và hài hước. Đặc biệt, thái độ làm việc chuẩn mực của nữ nghệ sĩ, cô ấy đã không hẹn thì thôi, còn hẹn thì nhất định đến đúng giờ”, nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu chia sẻ.

Nữ nghệ sĩ Thanh Nga được thừa hưởng nhiều nét đẹp và đức tính của mẹ là bà Nguyễn Thị Thơ hay còn gọi là bà bầu Thơ. Bà bầu Thơ chính là người đứng sau thành công rực rỡ của đoàn Thanh Minh – Thanh Nga, người phụ nữ tần tảo đã một tay gây dựng gia tộc. Nhờ tài quản lý, thao lược của mình, bà bầu Thơ gây dựng đoàn Thanh Minh – Thanh Nga ngày một lớn mạnh, quy tụ những giọng ca nổi danh nhất lúc bấy giờ như Phùng Há, Út Trà Ôn, Thành Được, Việt Hùng, Hữu Phước, Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Mộng Tuyền…

Khi chụp ảnh mẫu, Thanh Nga thường diện áo dài, váy đầm điệu đà. Nhưng ngoài đời, bà ăn vận nhã nhặn, giản dị, hiếm khi mặc đầm, mà chỉ diện quần tây, áo sơ mi và tóc búi cao. Không như các nghệ sĩ khác, bà chỉ trang điểm khi lên sân khấu, bình thường sẽ để mặt mộc hoàn toàn.

Bà Ánh Mai – em gái cố nghệ sĩ kể rằng Thanh Nga rất yêu thích nước hoa. Thế nhưng, bà cũng rất yêu thương các em. Theo lời người em gái, khi bà đạt thành tích học tập tốt ở trường, Thanh Nga sẵn sàng mua tặng em chiếc PC – xe Honda được coi là thời thượng những năm 1970.

Tôi bị ngã xe cũng gọi chị Ba (tên thân mật của Thanh Nga ở nhà), hết tiền đổ xăng cũng chị Ba. Nga thích nước hoa lắm mà tôi hay nghịch ngợm phá của chị. Chị không mắng mà chỉ khuyên: ‘Thay vì để chị mất tiền mua nước hoa mới, tiền đó chị dành ra để sửa mũi cho Chín'”, bà Ánh Mai ngậm ngùi.

Sài Gòn thập niên 1960 – 1970 có 4 người đẹp mà tài năng và nhan sắc của họ vượt ra ngoài biên giới Việt Nam. Công chúng gọi họ là tứ đại mỹ nhân. Tứ đại mỹ nhân Sài Gòn thập niên 60-70 thế kỷ trước gồm Thẩm Thúy Hằng, Kiều Chinh, Kim Cương và Thanh Nga; cuộc đời họ nhiều thăng trầm với những ngã rẽ khác nhau.