Từ ngày 1/1/2025 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực. Trong đó có quy định rõ về việc sử dụng lòng đường, vỉa hè và giao cho Bộ GTVT trình Chính phủ quy định chi tiết về việc sử dụng lòng đường, vỉa hè ngoài mục đích giao thông đường bộ. Thế nên hiện, Bộ GTVT đang lấy ý kiến các bộ ngành về nội dung dùng lòng đường vỉa hè.
Bộ GTVT đề xuất Chính phủ quy định tổ chức, cá nhân được sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè phục vụ các hoạt động: sự kiện chính trị và hoạt động văn hoá, thể thao; thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống cháy nổ; tìm kiếm cứu nạn; phòng, chống dịch bệnh; phục vụ thi công xây dựng công trình. Người dân cũng sẽ được sử dụng lòng đường, vỉa hè trên các tuyến đường huyện, xã, thôn, đường chuyên dùng, đường đô thị nhưng không bao gồm đường phố chính đô thị theo quy định. Người dân dùng các khu vực đường này để tập kết, thu gom rác thải, vật liệu xây dựng; tổ chức đám tang; tổ chức đám cưới; sử dụng vào việc trông, giữ phương tiện tham gia giao thông trong trường hợp cần thiết.
Dùng lòng đường vỉa hè cho mục đích khác ngoài giao thông
Hơn nữa việc dùng lòng đường vỉa hè vào mục đích khác ngoài giao thông thì phải có phương án bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, hoặc có phương án phân luồng giao thông đường bộ tránh đoạn tuyến này.
Đề xuất xử lý gấp đơn cho dân tổ chức đám tang
Theo Bộ GTVT đề xuất thì người dân khi muốn dùng vỉa hè lòng đường vào mục đích khác ngoài giao thông phải có đơn đề nghị cấp phép của khu quản lý đường bộ thực hiện đối với quốc lộ được giao quản lý; Sở GTVT thực hiện đối với đường được giao quản lý; UBND cấp huyện, xã thực hiện đối với đường được giao quản lý; Sở Xây dựng thực hiện đối với vỉa hè đô thị.
Thời hạn xem xét phê duyệt đơn trong vòng 1 ngày đối với đám tang, không quá 5 ngày làm việc đối với các trường hợp khác.
Nếu người dân được cấp phép thì sau khi dùng xong phải trả lại nguyên trạng lòng đường, vỉa hè và phải bồi thường thiệt hại nếu gây ra nếu hư hỏng kết cấu hạ tầng đường bộ…
Trước đề xuất này của Bộ GTVT, một số ý kiến cho rằng nên thực hiện xét duyệt đơn qua hình thức trực tuyến để tránh hiện tượng xin cho, tránh phiền hà bớt tiêu cực.