2 người con của bà Lộc hễ đụng đâu thì gãy xương ở đó khiến cơ thể teo tóp, đi lại khó khăn. Chồng bà vì quá chán nản gia cảnh đã bỏ nhà đi biệt tăm, từ dạo ấy gánh nặng đè lên vai người mẹ khốn khổ.

“Đụng là gãy xương”

Ở tuổi 55, đáng lẽ bà Đặng Thị Lộc (ngụ ấp 8, xã Trinh Phú, huyện Kế Sách, Sóc Trăng) có cuộc sống hạnh phúc đề huề bên con cháu thì trái lại bà phải chịu cảnh “trời đày” khi 2 người con trai đều mắc bệnh xương thủy tinh bẩm sinh, không thể lao động.

Ngôi nhà mẹ con bà Lộc ở, bốn bề là vách thiếc phả ra hơi nóng hầm hập, chiếc quạt gió thổi hết công suất cũng chẳng xua được không khí nóng nực trong nhà.

Từ trong nhà mang ra ly nước mời khách, bà Lộc bắt đầu kể về cuộc đời đầy rẫy đau thương của mình. Bà bảo, hơn 30 năm về trước bà kết hôn cùng người đàn ông chung xóm, chẳng lâu sau bà hạ sinh được người con đầu lòng là anh Võ Tấn Đạt (32 tuổi).

Tận cùng của sự khốn khổ, người đàn bà nuôi 2 con đụng là gãy xương - 1

“Lúc sinh ra nó cũng bình thường nặng hơn 3kg, nhưng tới lúc nó hơn một tuổi bắt đầu biết bò, biết đi thì mới biết con không bình thường. Hễ con té ngã lại gãy tay, gãy chân. Số lần đi bó bột, nối xương nhiều không kể xiết”, bà Lộc kể. 4

Không lâu sau, bà Lộc mang bầu đứa con thứ hai là anh Võ Hùng Cường, năm nay 30 tuổi. Cũng như anh trai, anh Cường ốm yếu, nhiều bệnh, đi đứng đụng đâu té đó rồi gãy xương khắp cả người. Càng ngày cơ thể của 2 anh em teo tóp, co rút lại, hậu quả khiến anh Cường bị bại liệt đôi chân phải lết để di chuyển, còn anh Đạt tuy đi được nhưng xương sống bị cong, vẹo.

Tận cùng của sự khốn khổ, người đàn bà nuôi 2 con đụng là gãy xương - 2

“Ban đầu tôi còn đưa con đi viện để chữa trị, riết rồi con bị gãy xương nhiều quá thầy thuốc chỉ tôi tự băng bó ở nhà. Để tránh gãy xương, tôi không dám cho con chơi với bạn bè, 2 đứa lủi thủi trong nhà chơi với nhau”, bà Lộc bày tỏ.

Nói tới đây nước mắt bà Lộc chực trào ở khóe mắt, bà cố nén để không khóc ra thành tiếng rồi kể tiếp. “Vợ chồng tôi đều làm thuê kiếm sống, ngày đó chồng tôi bán hết ruộng vườn, căn nhà để chữa bệnh cho con. Tìm hàng trăm cách, cầu cứu Tây y sang tới Đông y đều không có kết quả. Của cải trong nhà đội nón ra đi đến năm đứa con lớn được 18 tuổi ông ấy bỏ đi biệt tới nay chưa một lần thăm hỏi”, bà Lộc sùi sụt nói.

Gánh nặng dồn lên vai người mẹ nghèo

Con bệnh tật, chồng bỏ đi, mọi gánh nặng đều dồn lên vai người đàn bà tội nghiệp. Đã có lúc bà Lộc suy sụp đến mức muốn ôm con chết chung nhưng vì thương con bà gắng gượng sống qua ngày. Không lâu sau bà tìm được công việc giúp việc cho một công ty ở Bình Dương rồi cả nhà dọn lên thành phố mưu cầu cuộc sống mới.

“Ban ngày tôi đi làm ở công ty tối đến mới về nhà được với 2 con. Do chẳng đi lại được nên 2 đứa chỉ quanh quẩn trong phòng trọ. 2 năm trước, dịch Covid-19 bùng phát, tôi sợ quá nên ôm con về ngược lại Sóc Trăng sinh sống cho tới nay”, người mẹ U60 bộc bạch.

Tận cùng của sự khốn khổ, người đàn bà nuôi 2 con đụng là gãy xương - 5

Ngày còn “tha hương cầu thực”, bà Lộc chắt mót được gần 100 triệu đồng về quê mua được một nền nhà nhỏ định cư. Sau đó, chính quyền địa phương giúp bà xây được căn nhà tiền chế mới có được chỗ che mưa tránh nắng như hiện tại.

Từ ngày hồi hương, bà Lộc làm mướn kiếm sống qua ngày, ai kêu gì bà làm nấy nhưng chẳng dám đi làm xa vì không có ai ở nhà lo cơm nước cho con. Mấy tháng nay, địa phương có tổ chức dạy nghề đan giỏ nhựa, gia đình bà Lộc tham gia học và đan ghế mới có đồng ra đồng.

Anh Hùng Cường cho biết, mỗi ngày cả nhà anh đan được khoảng 2-3 cái giỏ, thu nhập chưa tới 100.000 đồng/ngày. Vì cả 2 anh em đều tật nguyền nên làm rất chậm, vài ngày gom đủ số lượng mới giao hàng cho xưởng.

Tận cùng của sự khốn khổ, người đàn bà nuôi 2 con đụng là gãy xương - 7

“Tiền bạc làm không có nên cả nhà ăn uống kham khổ, bữa thì trứng chiên rau luộc, bữa thì nước tương, kho quẹt mà sống qua ngày. Mẹ tôi giờ yếu hơn xưa nhiều lắm, nhức đầu kinh niên nên chỉ làm được việc nhẹ như làm cỏ, dặm lúa, bẻ trái cây mướn…”, anh Cường nói thêm.

Trao đổi với PV, bà Huỳnh Thị Hùng Dương – Trưởng ấp 8, xã Trinh Phú cho biết, hoàn cảnh của bà Lộc thuộc dạng khó khăn của địa phương rất cần sự giúp đỡ từ cộng đồng.

“Thời gian qua địa phương có hỗ trợ cất nhà, tặng quà, nhu yếu phẩm nhưng để hỗ trợ kinh phí chữa bệnh cho các con của bà Lộc thì địa phương chưa thể làm được, rất cần sự chung tay, hỗ trợ từ mạnh thường quân, nhà hảo tâm để gia đình vượt qua nghịch cảnh”, bà Dương cho hay.