Giữa muôn vàn khó khăn, buồn tủi khi cả 3 đứa con sinh ra đều mang hội chứng down, mới đây, anh Quốc lại phát hiện bị ung thư, cả gia đình nghèo rơi vào tận cùng nỗi đau.
Những đứa con không bình thường
Đó là hoàn cảnh đầy nghiệt ngã của gia đình chị Trần Thị Bích Thơm (SN 1966), trú thôn Trung Quán, xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình).
Đến thăm gia đình chị Thơm, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là một người phụ nữ dáng nhỏ thó, gương mặt khắc khổ, đang cố bơm từng ống xi-lanh cháo cho chồng.
Chồng chị là anh Trần Quốc (SN 1963), vừa được phát hiện bị ung thư. Vì không thể ăn uống qua đường miệng, chị Thơm đành phải truyền cháo, sữa qua một ống dẫn được bác sĩ đặt ở bụng anh Quốc. Nắm chặt đôi tay người chồng đang quằn quại vì đau đớn, chị Thơm chua chát kể cho tôi nghe về hoàn cảnh gia đình trong nước mắt.
Vợ chồng anh Quốc, chị Thơm đều sinh ra trong những gia đình nghèo khó, năm 1990, thì nên duyên vợ chồng. Với sự chịu thương, chịu khó, nỗ lực trong lao động, vợ chồng chị Thơm dù không khấm khá nhưng cũng đủ ăn, đủ mặc, thế nhưng mãi chẳng có lấy một mụn con.
Sau gần 7 năm chạy chữa, thăm khám khắp nơi, năm 1997 chị Thơm đã hạ sinh đứa con đầu lòng là Trần Thị Hoài trong niềm vui khôn xiết của đôi vợ chồng nghèo. Thế nhưng, niềm vui chẳng tày gang khi Hoài sinh ra lại được phát hiện mắc hội chứng down.
Vượt lên nỗi buồn, anh Quốc và chị Thơm vẫn chăm chỉ làm việc, xây dựng tổ ấm hạnh phúc. Hai năm sau, anh chị nuôi hi vọng sẽ có thêm một đứa con “lành lặn” để gia đình thêm vui vầy. Thế nhưng, đứa con thứ 2 là Trần Thái Quý (1999) ra đời vẫn bị hội chứng down như chị cả.
Đến năm 2011, đắn đo mãi, anh Quốc, chị Thơm mới đi đến quyết định sinh con thứ 3, với bao nhiêu mong mỏi, hy vọng. Nhưng rồi kết quả lại khiến đôi vợ chồng nghèo thất vọng khi cháu Trần Thị Thu Trang sinh ra vẫn bị thiểu năng trí tuệ.
Có 3 con đều không được lành lặn, bình thường, trong khi đó hội chứng down, thiểu năng trí tuệ cũng chẳng thể chữa lành. Đến nay, đứa lớn đã 25, đứa nhỏ cũng hơn 11 tuổi, thế nhưng suy nghĩ thì chỉ như trẻ lên 3, cứ ra ngẩn vào ngơ. Thậm chí còn gào khóc, đánh nhau khiến chị Thơm nhiều lần khốn khổ vì con.
Trong 3 đứa con thì cháu út là Trần Thị Thu Trang dù bị thiểu năng trí tuệ nhưng nhẹ hơn anh chị nên nay vẫn được vợ chồng chị Thơm cố gắng cho đến trường. Tuy nhiên, Trang chỉ ngoan ngoãn đến lớp còn tiếp thu kiến thức thì gần như bằng 0.
“Con lớn lên tý thì cũng cho nó đi học thử, thế nhưng nó không tiếp thu được, đi rồi bị bạn bắt nạt, rồi bỏ về nên đành cho ở nhà. Cả 3 đứa vui thì nó nghe lời, nhưng có khi trái tính, đánh nhau, rồi đánh cả mẹ, ném đồ trong nhà. Bệnh tình con như thế, cơ cực mà không biết làm sao nữa”, chị Thơm buồn tủi.
Phát hiện ung thư giữa cơn bĩ cực
Nghĩ đến các con, không biết bao nhiêu lần vợ chồng anh Quốc khóc cạn nước mắt. Nhưng rồi họ lại động viên nhau cố gắng làm lụng, chỉ mong cuộc sống có cơm ăn đủ bữa cho con, một mái nhà để che mưa, che nắng.
Giữa bộn bề, lo toan của cuộc sống, mới đây, tai họa lớn lại ập đến với gia đình anh Quốc, chị Thơm khi người đàn ông trụ cột của gia đình được phát hiện bị ung thư thực quản.
Thông tin chồng mang căn bệnh quái ác như tiếng sét ngang tai với chị Thơm. Bao nhiêu năm lam lũ, vất vả ngược xuôi chăm những đứa con bị down đã cơ cực, giờ chồng còn bị ung thư, đó thực sự là tận cùng nỗi đau với người phụ nữ gần 60 tuổi.
Để chạy chữa cho anh Quốc, đồ đạc trong nhà có gì đáng giá chị Thơm đều phải bán hết, vay mượn khắp nơi, chỉ mong sao “còn nước còn tát” cứu lấy sinh mệnh người chồng. Chi phí thuốc thang, bệnh tật như gánh nặng cứ đè nén thêm trên đôi vai gầy của chị Thơm.
Nhìn người chồng quằn quại trong đau đớn, rồi đưa ánh mắt về phía những đứa con vẫn đang hồn nhiên vui cười, chẳng hiểu chuyện, lòng chị Thơm như thắt lại, nước mắt cứ trào ra.
Sau thời gian nằm viện, hiện anh Quốc được các bác sĩ cho về nhà tiếp tục điều trị bằng thuốc. Vì ung thư thực quản không thể ăn uống qua đường miệng, các bác sĩ đã tạo một ống thông vào dạ dày qua một lỗ trên bụng. Đến bữa, chị Thơm lại lấy ống xi-lanh, bơm cháo, sữa cho chồng.
Phương pháp ấy dường như chỉ để duy trì sự sống cho anh Quốc, bởi lẽ anh không thể tự mình nếm xem đồ ăn mặn hay ngọt, không thể biết được mỗi ngày mình đang ăn gì nữa.
“Chồng giờ bệnh tật thế này mà trong nhà chẳng có lấy một đồng, túng quẫn lắm. Mấy đứa con mà khỏe mạnh, đỡ đần được cho mẹ thì còn đỡ, đằng này vừa chăm chồng lại phải vừa ngó con, khổ lắm. Con thì mỗi đứa một chứng, không để ý là nó lại đi lang thang, đứa lại ngủ li bì, tè dầm, thậm chí đập phá đồ đạc, nghịch bẩn”, chị Thơm buồn tủi cho biết thêm.
Nói về hoàn cảnh của gia đình chị Thơm, ông Lê Văn Đặng, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Ninh cũng cho biết, đây là một hoàn cảnh thật sự khó khăn tại địa phương và đang rất cần sự giúp đỡ từ cộng đồng.
Theo ông Đặng, thời gian qua, phía chính quyền địa phương cũng đã thăm hỏi, tạo mọi điều kiện nhằm vơi bớt khó khăn cho gia đình chị Thơm. Tuy nhiên, hiện nay, vì không có kinh tế để chạy chữa, thuốc thang nên bệnh tình của anh Quốc chuyển yếu. Mọi gánh nặng cứ đè lên người vợ không có việc làm ổn định, phía sau lại còn gánh nặng 3 đứa con bị down.
Thông qua Báo Dân trí, ông Đặng bày tỏ mong muốn các mạnh thường quân sẽ chung tay giúp đỡ, để chị Thơm có điều kiện thuốc thang cho chồng, chăm sóc tốt hơn cho 3 đứa con đang thuộc diện bảo trợ xã hội. Để làm sao cho các cháu một cuộc sống không đói rách, xoa dịu bớt những thiệt thòi đang gánh chịu.