Nữ sinh tốt nghiệp thủ khoa ngành Y đa khoa sau hai lần trượt đại học: Sinh ra trong gia đình có truyền thống theo ngành Y

Xây dựng mọi kế hoạch xoay quanh việc trúng tuyển ngành Y đa khoa, Nguyễn Hải Vân rơi vào khủng hoảng khi thi hai năm đều trượt.

Một tuần sau khi được TP Hà Nội vinh danh là một trong 88 thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc các trường đại học, học viện, Nguyễn Hải Vân (23 tuổi, Hà Nội), thủ khoa ngành Y tế công cộng của Đại học Y tế công cộng, thong thả ngồi cafe với bạn bè.

Dáng nhỏ bé, mái tóc tomboy, sơ mi trắng thắt cà vạt trông cá tính, sôi nổi, nhưng Vân lại rất điềm tĩnh trong cả cuộc nói chuyện. Vân chăm chú lắng nghe câu chuyện của những người bạn, suy nghĩ một hồi trước mỗi câu hỏi thay vì nói một tràng. Em bảo đó là thói quen từ nhỏ và cũng là kỹ năng cần thiết của người muốn theo đuổi ngành Tâm lý học.

Buổi trò chuyện kết thúc bằng những lời chúc mừng danh hiệu thủ khoa đầu ra của ngôi trường mà Vân không hề nghĩ sẽ theo học cách đây 5 năm. Nhưng cũng chính ngôi trường này đã giúp Vân tìm ra hướng đi của mình.

Nguyễn Hải Vân là thủ khoa tốt nghiệp của Đại học Y tế công cộng. Ảnh: Dương Tâm.

Nguyễn Hải Vân là thủ khoa tốt nghiệp của Đại học Y tế công cộng. Ảnh: Dương Tâm.

Sinh ra trong gia đình có mẹ làm ngành Y, Vân yêu thích ngành này từ lúc nào không hay. Từ khi còn là nữ sinh lớp chọn của trường THPT Yên Hòa, Vân đã quyết thi khối B và phải đỗ ngành Y đa khoa. Thậm chí, em còn xây dựng kế hoạch sau khi học xong bậc đại học, ngay cả khi bố mẹ đều phản đối, mong muốn em học Sư phạm cho đỡ vất vả.

Thi đại học, đạt 23,5 điểm khối B, cả bầu trời như sụp đổ trước mắt Vân. Trước áp lực từ gia đình và ý muốn của bố mẹ, Vân đành vào ngành Sinh học của Đại học Sư phạm Hà Nội. “Trong đầu em lúc đó chỉ nghĩ đúng một điều rằng sẽ thi lại và chắc chắn không trải qua bốn năm ở trường Sư phạm. Một năm đó em coi như gap year (bảo lưu)”, Vân nói.

Một năm sau, Vân thi lại đại học. Số điểm đạt được không hơn gì năm đầu. Một lần nữa, em khủng hoảng, nhận ra học lực không quá giỏi thì việc đặt mục tiêu Y đa khoa là quá xa vời. Em quyết định đăng ký vào một ngành Y khác để thỏa mãn mong muốn. Dùng những lý lẽ, trải nghiệm có thật ở trường Sư phạm, Vân thuyết phục được bố mẹ cho nghỉ và nhập học Đại học Y tế công cộng.

Hai lần trượt đại học Y khiến Vân tiếc nuối nhưng rồi em nhận thấy đó là cái duyên. “Nếu không trượt đại học hai lần, em sẽ không học Y tế công cộng, không nhận ra sở thích từ nhỏ của mình là tìm hiểu tâm lý con người và không chắc chắn sẽ chọn học tiếp ngành Tâm lý đến vậy”, Vân nói.

Nhiều người thắc mắc tại sao đang học Y tế công cộng lại đem lòng yêu thích ngành Tâm lý. Vân bảo “có lẽ đã yêu thích Tâm lý từ nhỏ nhưng không gọi tên ra được”. Đến cuối năm hai, sau một lần tiếp xúc với môn Tâm lý, niềm yêu thích trong Vân mạnh mẽ hơn. Em bắt đầu tìm hiểu và tham dự các buổi hội thảo về tâm lý qua mạng rồi chủ động kết nối với một giảng viên là chuyên gia về Tâm lý học lâm sàng.

Kể từ đó, việc học của Vân thay đổi. Dù vẫn ưu tiên việc học ở trường, Vân có thêm một ưu tiên nữa là tìm hiểu ngành Tâm lý. Em tìm đọc sách chuyên ngành do thầy giới thiệu như cuốn “Con đường chẳng mấy ai đi” hay “Lịch sử tâm lý học”, luyện tập trả lời tham vấn. Em bắt đầu với những thứ đơn giản nhưng bao quát thay vì đi vào chi tiết 1-2 chủ đề nào đó vì sợ mất thời gian và lạc đường.

Ngoài những nghiên cứu khoa học ở trường về thuốc lá hay sức khỏe vị thành niên được đăng trên tạp chí khoa học Nghiên cứu sức khỏe và phát triển, Vân làm nghiên cứu bên ngoài trường để đi sâu hơn vào lĩnh vực tâm lý. Hai đề tài nổi bật em đã tham gia là “Nghiên cứu thực trạng tham gia vào công nghiệp thương mại tình dục của nhóm thanh niên tại Hà Nội” và “Ảnh hưởng của hình ảnh người LGBTQ trên báo, trang tin điện tử và Facebook đến sự tự áp lực thay đổi bản thân của người trẻ LGBTQ”.

Với mỗi đề tài, Vân dành khoảng một năm. Đề tài về những người trong giới LGBTQ trong khuôn khổ dự án Yo4re – góc nhìn khác khởi xướng bởi Viện iSEE và USAID, không gây nhiều khó khăn cho cô gái Hà Nội vì vốn dĩ là thành viên nhóm NextGEN – tổ chức hoạt động vì quyền của người LGBTQ.

Với đề tài về các nữ lao động tình dục, Vân gặp một số khó khăn nhưng cũng có nhiều trải nghiệm đáng nhớ. Đây là nghiên cứu do UNESCO tài trợ, Vân được các anh chị của tổ chức hỗ trợ đầu mối để kết nối với những người trong mạng lưới nữ lao động tình dục tại Hà Nội. Em phải thuyết phục họ tham gia những cuộc phỏng vấn trực tiếp, đồng thời thăm dò nơi làm việc của những người này.

Cô gái sinh năm 1997 vẫn nhớ những hôm đi bộ cả chục vòng quanh dãy phố ở ngoại thành, nơi các nữ lao động tình dục làm việc. Em giả vờ như người qua đường để xem phản ứng của họ, phương thức các chị mời khách ra sao, khách đến mua dâm có dấu hiệu như nào.

Với những cuộc phỏng vấn trực tiếp, ban đầu Vân lo sợ không thành công nhưng thực tế những người đã nhận lời đều rất cởi mở và chân thật. “Những nữ lao động tình dục này bình thường không có nhiều cơ hội chia sẻ, không có người lắng nghe nên khi chúng em đến với thái độ chân thành và lắng nghe, họ rất cởi mở”, Vân kể lại về trải nghiệm ít sinh viên có được.

Đặt sự quan tâm lớn đến nhóm người thiểu số như LGBT, nhóm lao động tình dục hay những người khuyết tật thông qua các nghiên cứu, dự án cộng đồng, Vân hiểu hơn tâm lý của những nhóm này, từ đó trưởng thành hơn cả về suy nghĩ, hành động và chắc chắn hơn về hướng đi của mình.

Hải Vân (thứ tư từ phải sang) trong buổi chia sẻ kết quả nghiên cứu về giới LGBTQ. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Hải Vân (thứ tư từ phải sang) trong buổi chia sẻ kết quả nghiên cứu về giới LGBTQ. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ngô Thùy Dương, 22 tuổi, bạn cùng lớp với Vân ở Đại học Y tế công cộng, bày tỏ sự khâm phục khi Vân vừa có thể theo đuổi đam mê Tâm lý học, vừa hoàn thành tốt chương trình học tập, nghiên cứu ở trường. “Dù xác định theo Tâm lý, Vân vẫn rất chú tâm việc học ngành Y tế công cộng. Bạn luôn nói đã chọn là phải hết mình để không nuối tiếc. Đó có lẽ là cách để bạn đạt được kết quả như hôm nay”, Dương nói về cô bạn thân.

Trở thành thủ khoa đầu ra Đại học Y tế công cộng với bí quyết duy nhất là biến việc học ở trường thành ưu tiên số một nhưng Vân là một trong số ít các bạn trong lớp đang “thất nghiệp”. Trong khi các bạn đi làm ở nhiều dự án y tế, nghiên cứu về sức khỏe thì Vân lựa chọn thi và học thạc sĩ ngành Tâm lý học lâm sàng theo hướng thực hành của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Dù rẽ hẳn sang hướng khác, Vân cảm ơn bốn năm học ngành Y tế công cộng bởi đã giúp em hiểu hơn về ngành Y, thỏa mãn sở thích cá nhân và đến gần hơn với ngành Tâm lý. Cũng nhờ quá trình học ở trường và những cơ hội trường mở ra, em đã thay đổi từ con người tẻ nhạt, cố nghe theo bố mẹ để khiến họ vui lòng thành cô gái mạnh mẽ, dám đấu tranh cho ý muốn của mình.

“Danh hiệu thủ khoa là một trong những dấu ấn để em luôn nhớ về bốn năm đại học không ít hoang mang nhưng cũng đầy sôi nổi. Dù không theo đúng ngành đã học ở bậc đại học, kiến thức ở trường vẫn là hành trang quý báu với một người trẻ như em”, Vân nói.