Bộ Y tế đề xuất xử phạt 1-2 triệu đồng đối với hành vi sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, tái phạm sẽ phạt gấp đôi.
Thông tin người vi phạm sẽ bị báo đến cơ quan, trường học để xử lý. Sản phẩm vi phạm bị tịch thu và thiêu hủy.
Đề xuất được Bộ Y tế đưa ra trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 117/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Dự thảo đang được lấy ý kiến đến đầu tháng 3 năm nay.
Việt Nam là quốc gia thứ 6 trong khu vực ASEAN và trong số 43 quốc gia cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Từ năm nay, các sản phẩm này được đưa vào danh sách hàng hóa cấm. Cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định.
Hiện nay, hành vi sản xuất, kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đã bị chế tài tại Nghị định 98/2020 và Bộ luật Hình sự (có thể phạt tiền từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm). Trong khi đó, hành vi “sử dụng” và “chứa chấp” vẫn chưa được quy định xử lý rõ ràng. Vì vậy, Bộ Y tế đề xuất bổ sung các quy định trên.
Người trẻ hút thuốc lá điện tử gây hại cho sức khỏe của bản thân và người hít khói thuốc thụ động. Ảnh: Khuê Lâm
Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam đang tăng nhanh, đặc biệt ở nhóm trẻ em và thanh thiếu niên. Từ năm 2015 đến 2020, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành (từ 15 tuổi trở lên) tăng từ 0,2% lên 3,6%. Nhóm học sinh 13-17 tuổi, tỷ lệ hút tăng từ 2,6% (năm 2019) lên 8,1% (năm 2023). Nhóm nữ tuổi 11-18, kết quả điều tra sơ bộ tại 11 tỉnh thành cho thấy tỷ lệ sử dụng là 4,3% vào năm 2023.
Bộ Y tế cảnh báo tình trạng này đặc biệt nguy hiểm với giới trẻ. Các sản phẩm không chỉ gây hại sức khỏe, gây nghiện nicotine mà còn có nguy cơ bị trộn ma túy. Thực tế, cơ quan chức năng đã bắt giữ nhiều vụ liên quan đến ma túy núp bóng thuốc lá điện tử, nhiều học sinh ngộ độc phải nhập viện cấp cứu.
Báo cáo từ Bộ Công an cho thấy số vụ vi phạm liên quan thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng có chứa ma túy gia tăng nhanh chóng. Năm 2023, có 86 vụ bị khởi tố; còn quý I/2024 có 33 vụ, gần bằng một nửa tổng số vụ cả năm trước, phản ánh tình trạng báo động trong việc kiểm soát các sản phẩm này.