– NSND Tự Long có quá khứ cơ cực thế nào?
– Vì sao NSND Tự Long ở chung cư cao cấp lại không quen?
Quá khứ cơ cực, phải làm phụ hồ, xe ôm
NSND Tự Long tên thật là Vũ Tự Long, sinh năm 1973 tại Bắc Ninh – quê hương của nghệ thuật chèo cổ và các loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian khác.
Anh là con nhà nòi, sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, với cha là NSƯT Vũ Tự Lẫm (nghệ danh Hai Lẫm), mẹ là NSƯT Nguyễn Thị Phức (nghệ danh Minh Phức), đều công tác tại đoàn Quan họ của tỉnh.
Tự Long thời trẻ
Vì thế, ngay từ nhỏ, Tự Long đã được thừa hưởng năng khiếu nghệ thuật từ cha mẹ và được sinh trưởng trong môi trường nghệ thuật, được dạy hát chèo. Ngay từ thời học sinh, anh đã mạnh dạn tham gia phim truyền hình để thu thập kinh nghiệm diễn xuất. Nhờ đó, Tự Long sớm dạn dĩ với sân khấu, ống kính máy quay.
Sau này, vì hoàn cảnh cuộc sống khó khăn nên Tự Long không thể theo nghề ngay. Anh thi vào trường Trung cấp Xây dựng Bắc Ninh, tốt nghiệp khoa Mộc và đi làm thợ mộc kiếm sống.
Không chỉ làm thợ mộc, Tự Long còn phải làm nhiều công việc chân tay vất vả khác để có tiền trang trải cuộc sống. Anh từng làm cả lơ xe, phụ hồ xách vữa cho các công trình trên thị xã, chạy xe ôm.
Trong thời gian này, Tự Long vừa gửi tiền về cho gia đình, vừa tiết kiệm một khoản cho mình. Từ đó, anh quyết tâm thi vào Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội để được theo đuổi đam mê và bén duyên với nghề diễn. Tại trường Tự Long chọn theo học Chèo để nối nghiệp cha mẹ, phát huy vốn liếng văn hóa làng quê có sẵn trong mình.
Năm 1998, Tự Long tốt nghiệp khoa Chèo và tới 1999 thì đầu quân về Đoàn chèo Tổng cục Hậu cần, truân chuyên từ những vai cầm cờ chạy hiệu mà đi lên. Tự Long còn thừa nhận mình là người thích ô tô và lái xe, và sẽ theo nghề tài xế nếu không làm nghệ thuật. Với bản chất con nhà nông, đi lên từ lao động, Tự Long không ngại bất cứ khó khăn nào với nghề mà sẵn sàng lăn xả diễn xuất, với những đồng cát xê thấp nhất, diễn mọi vai.
Cũng tại Đoàn chèo, Tự Long được NSND Tào Mạt chọn diễn nhiều vai trong các vở chèo do ông viết ra. Từ đây, Tự Long được lên truyền hình và gây dấu ấn ban đầu với công chúng.
Tới năm 2000, Tự Long bén duyên diễn hài cùng Xuân Bắc trong chương trình Gặp nhau cuối tuần và nhanh chóng được khán giả cả nước biết tới, yêu mến.
Từ đây, Tự Long bắt đầu tham gia sân khấu hài với vai diễn Bác sĩ hoa súng trong chương trình Gặp nhau cuối tuần. Cứ như vậy, sự nghiệp diễn hài của Tự Long lên như diều gặp gió, khiến anh được nhớ đến nhiều nhất với vai trò nghệ sĩ hài. Tự Long cũng là một trong số ít nghệ sĩ gắn bó lâu nhất, bền bỉ nhất với loạt chương trình Táo quân, gần như không vắng bóng năm nào.
Tự Long được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú vào năm 2012 và có được 10 huy chương trong sự nghiệp của mình. Ngày 15/9/2014, anh được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội. Năm 2015, anh được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Đến ngày 30/7/2020, Tự Long được phong quân hàm Đại tá.
Ở chung cư cao cấp nhưng muốn quay về thời ghẻ lở, hắc lào
Là một nghệ sĩ nổi tiếng, nhưng Tự Long lại lớn lên với đồng quê nên quen cuộc sống thôn dã, mộc mạc, bình dị.
Thời còn nhỏ, NSND Tự Long sống cùng gia đình trong một khu tập thể cũ và thiếu thốn ở Bắc Ninh. Anh kể lại: “Hồi ấy, tôi bị lây ghẻ, hắc lào chi chít, trẻ con đứa nào cũng lây nhau, lây cả con chấy. Vậy mới có câu bạn bè chơi với nhau từ thời con chấy cắn đôi”.
Khu tập thể nhà Tự Long ở không có nhà vệ sinh riêng, hai tòa nhà mới có chung một khu vệ sinh, đi là phải dội nước.
Sáng nào anh cũng phải xách một xô nước đứng đợi người kia đi xong để tới lượt mình, xong cái là tự động dội hết xô nước cầm theo.
Khu tập thể đó còn có giếng chung, trẻ con tắm quây quần, chơi với nhau tại đó như một gia đình. Bố mẹ Tự Long đi tập văn nghệ, anh và bạn bè lôi nhau ra sân chung chơi trò vợ chồng. Anh nói: “Đến bây giờ tôi vẫn ước được chơi trò vợ chồng.
Khu tập thể là mọi thứ đều chung. Nhà nào mang đồ ở quê lên cả xóm biết, nhà nào gói bánh chưng to hơn mọi người cũng biết, nhà nào có tủ lạnh cũng đều bị lộ. Gầm cầu thang có đôi nào hôn nhau, ôm nhau thụt thịt là cả khu cũng biết”.
Hiện tại, Tự Long đã có cuộc sống đầy đủ, khá giả nhưng vẫn không quên được năm tháng ấu thơ và muốn được trở lại những ngày đó.
Anh tâm sự: “Bây giờ tôi đã ở chung cư cao cấp, nhưng không biết hết những người ở cùng tầng với mình. Tôi không có thời gian để tìm hiểu họ. Mà xung quanh nhà tôi cũng toàn người Nhật, người Hàn thôi, không nói chuyện được.
Vì vậy, tôi mong muốn được quay trở lại ngày xưa, không phải để ở mà để có lại những thứ mình không thể có được nữa.
Bây giờ, ở chung cư cao cấp 40 tầng nhưng tôi không biết ai, muốn quay lại thời bị lây ghẻ, hắc lào chi chít đó”.