Năm 2024, thí sinh trúng tuyển những ngành nghề đặc thù này sẽ được miễn 100% học phí. Đó là ngành nào?
Học phí là một trong những tiêu chí được học sinh rất quan tâm khi lựa chọn bước chân vào cánh cửa đại học đặc biệt là các gia đình có nguồn tài chính hạn chế. Năm 2024, thí sinh trúng tuyển những ngành nghề đặc thù này sẽ được miễn 100% học phí.
Nhóm ngành, nghề được miễn giảm 100% học phí
Một số nhóm ngành, nghề được miễn giảm 100% học phí theo quy định của Chính phủ bao gồm:
+ Sinh viên khi học chuyên ngành Chủ nghĩa Mác – Lê nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh;
+ Học sinh, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh học một trong các chuyên ngành: lao, phong, tâm thần, giám định pháp y, pháp y tâm thần và giải phẫu bệnh tại các cơ sở đào tạo nhân lực y tế công lập theo chỉ tiêu đặt hàng của Nhà nước sẽ được miễn học phí 100%.
Nhóm ngành, nghề được miễn giảm 100% học phí
+ Trong khối ngành sức khỏe, theo Luật khám chữa bệnh có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, hai ngành được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt là Truyền nhiễm và Hồi sức cấp cứu. Tuy nhiên, để có thể hưởng chế độ này, kết quả học tập, rèn luyện của sinh viên phải đạt điều kiện để cấp học bổng tại cơ sở đào tạo.
+ Một số ngành, nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định; các ngành, nghề chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và các ngành, nghề chuyên môn đặc thù do Thủ tướng quy định cũng được miễn 100% học phí. Có tổng số 36 ngành, lĩnh vực nghệ thuật thuộc chính sách này: kỹ thuật điêu khắc gỗ, điêu khắc, nghệ thuật biểu diễn ca kịch Huế, dân ca, chèo, tuồng, cải lương, múa dân gian dân tộc, dân ca quan họ, diễn viên múa, biên đạo múa.
Ngoài các ngành học trên, sinh viên thuộc một trong các trường sau cũng được miễn học phí khi theo học các cơ sở đào tạo đại học công lập:
– Sinh viên hệ cử tuyển.
– Sinh viên học tại các cơ sở giáo dục đại học người dân tộc thiểu số mà có cha/mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông bà (nếu ở với ông bà) thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.
– Sinh viên là người dân tộc thiểu số rất ít người được quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 57/2017/NĐ-CP: Pu Péo, Cống, Mảng, Si La, Bố Y, Cờ Lao, La Ha, Ơ Đu, Ngái, Chứt, Brâu, Rơ Măm, Lự, Pà Thẻn, La Hủ, Lô Lô.
Nhóm ngành, nghề được giảm 70% học phí
Nhóm ngành, nghề được giảm 70% học phí
Chính phủ cũng quy định, nhà nước giảm 70% học phí cho học sinh, sinh viên khi theo học các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong cơ sở giáo dục đại học có đào tạo về văn hóa – nghệ thuật.
Những ngành nghề thuộc nhóm này, bao gồm: nhạc công kịch hát dân tộc, nhạc công truyền thống Huế, đờn ca tài tử Nam bộ, diễn viên sân khấu kịch hát, nghệ thuật biểu diễn dân ca, nghệ thuật ca trù, nghệ thuật bài chòi, biểu diễn nhạc cụ truyền thống.
Một số ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với giáo dục nghề nghiệp theo danh mục các ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định cũng nằm trong diện được giảm học phí 70%.
Đối tượng được giảm 50% học phí đại học
Căn cứ khoản 2 Điều 16 Nghị định 81, sinh viên là con của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân mà cha/mẹ được hưởng trợ cấp thường xuyên do bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp sẽ được giảm 50% học phí tại các cơ sở đào tạo đại học công lập.
Ngoài chính sách miễn, giảm học phí của Chính phủ, nhiều trường đại học cũng có chính sách hỗ trợ học phí riêng. Điển hình như Đại học Quốc gia TP.HCM hỗ trợ 35% học phí cho một số ngành tại các trường trực thuộc, Đại học Quốc gia Hà Nội hỗ trợ sinh hoạt phí 20 triệu đồng/năm học.