Việc sửa chữa chung cư phụ thuộc vào hiện trạng của chung cư và nhu cầu của chủ sở hữu. Tuy nhiên, sửa chữa nhà chung cư có phải xin phép không? Cùng tìm hiểu quy định này qua bài viết sau.

1. Sửa chữa nhà chung cư có phải xin phép không?

Trường hợp nào không phải xin phép khi sửa chữa căn hộ chung cư? - CafeLand.Vn

Do các dự án căn hộ chung cư được thiết kế theo những tiêu chuẩn chung, nên chủ sở hữu thường muốn sửa chữa, thay đổi kết cấu, thiết kế lại căn hộ cho phù hợp với sở thích, nhu cầu.

Tuy nhiên, việc sửa chữa, cải tạo lại các căn hộ chung cư có thể dẫn đến thay đổi kết cấu hoặc gây ảnh hưởng đến những căn hộ khác trong tòa nhà chung cư. Vì vậy, khác với nhà ở mặt đất, không phải mọi trường hợp chủ chung cư đều có quyền sửa chữa căn hộ chung cư theo ý mình.

1.1. Trường hợp sửa chung cư phải xin phép

Pháp luật cấm chủ sở hữu chung cư tự ý sửa chữa căn hộ chung cư trong một số trường hợp nhất định. Cụ thể Khoản 5 Điều 6 của Luật Nhà ở 2014 có quy định như sau:

Điều 6. Các hành vi bị nghiêm cấm

[…]

5. Chiếm dụng diện tích nhà ở trái pháp luật; lấn chiếm không gian và các phần thuộc sở hữu chung hoặc của các chủ sở hữu khác dưới mọi hình thức; tự ý thay đổi kết cấu chịu lực hoặc thay đổi thiết kế phần sở hữu riêng trong nhà chung cư.

Theo đó, chủ chung cư không được tự ý thay đổi kết cấu chịu lực của chung cư hoặc thay đổi thiết kế của phần sở hữu riêng trong nhà chung cư. Để thực hiện các công việc này, chủ nhà chung cư cần phải xin phép thực hiện.

Đồng thời Điều 87 Luật Nhà ở 2014 cũng quy định việc cải tạo chung cư phải thực hiện theo quy định của Luật Nhà ở và Luật Xây dựng. Nếu pháp luật quy định phải lập dự án để cải tạo chung cư thì phải thực hiện theo dự án được phê duyệt.

Đối với chung cư thuộc sở hữu nhà nước thì việc bảo trì, cải tạo chung cư phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và phải thực hiện theo quy định của Luật Nhà ở và Luật Xây dựng.

Như vậy, chủ chung cư phải xin phép khi thực hiện việc sửa chữa làm thay đổi kết cấu chịu lực của chung cư hoặc sửa chữa thay đổi thiết kế phần sở hữu riêng trong chung cư.

1.2. Trường hợp sửa chung cư không phải xin phép

Điều 4 Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư 28/2016/TT-BXD quy định những trường hợp có thể sửa chữa chung cư mà không cần xin phép bao gồm:

Căn hộ chung cư hoặc phần diện tích khác thuộc sở hữu riêng trong chung cư có hư hỏng thì chủ sở hữu hoặc người sử dụng chung cư được quyền sửa chữa, thay thế nhưng không được làm hư hỏng phần sở hữu chung của chung cư và ảnh hưởng đến các chủ sở hữu khác.

Thay thế, sửa chữa hoặc lắp đặt thêm các thiết bị thì phải đảm bảo không làm thay đổi, làm biến dạng hoặc làm hư hỏng kết cấu của chung cư.

2. Sửa chữa nhà chung cư cần xin giấy phép gì?

Như đã trình bày ở trên, việc sửa chữa chung cư phải thực hiện theo quy định của Luật Nhà ở và Luật Xây dựng. Theo đó, khi có nhu cầu sửa chữa chung cư, chủ sở hữu hoặc người sử dụng chung cư sẽ tới cơ quan có thẩm quyền xin cấp Giấy phép xây dựng để sửa chữa chung cư.

3. Xin giấy phép sửa nhà chung cư ở đâu?

Theo quy định tại Điều 103 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng 2020), cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép sửa chữa nhà chung cư gồm:

Công trình cấp III, cấp IV và nhà ở riêng lẻ: Ủy ban nhân dân cấp huyện;

Cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh trừ công trình thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp huyện cấp: Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

4. Hồ sơ, thủ tục xin giấy phép sửa nhà chung cư

Hồ sơ, thủ tục xin giấy phép sửa nhà chung cư được quy định tại Luật Xây dựng năm 2014 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) và hướng dẫn tại Nghị định 15/2021/NĐ-CP.

4.1. Hồ sơ xin giấy phép sửa nhà chung cư

Theo quy định tại Điều 96 Luật Xây dựng năm 2014 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng 2020) và Điều 47 Nghị định 15/2021/NĐ-CP, hồ sơ xin giấy phép sửa chữa căn hộ chung cư gồm các thành phần sau:

Đơn đề nghị cấp giấy phép sửa chữa, cải tạo chung cư theo Mẫu số 01 Phụ lục II Nghị định 15/2021/NĐ-CP;

Một trong những giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, quản lý, sử dụng chung cư;

Bản vẽ hiện trạng của các bộ phận của căn hộ chung cư dự kiến sửa chữa, cải tạo đã được phê duyệt có tỷ lệ tương ứng với tỷ lệ các bản vẽ của hồ sơ đề nghị cấp phép sửa chữa, cải tạo và ảnh chụp hiện trạng chung cư và công trình lân cận trước khi sửa chữa, cải tạo chung cư.

Hồ sơ thiết kế sửa chữa, cải tạo tương ứng.

4.2. Thủ tục xin giấy phép sửa nhà chung cư

Để xin giấy phép sửa chữa chung cư, chủ sở hữu chung cư hoặc người sử dụng chung cư thực hiện theo quy định tại Điều 102 Luật Xây dựng năm 2014 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Điều 54 Nghị định 15/2021/NĐ-CP như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ

Người xin cấp Giấy phép chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và nộp 02 bộ hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng.

Bước 2: Cơ quan cấp giấy phép tiếp nhận hồ sơ và kiểm tra hồ sơ

Trong thời hạn 07 kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan cấp giấy phép xây dựng phải tổ chức thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực địa.

Nếu hồ đáp ứng điều kiện: Ghi giấy biên nhận;

Nếu hồ sơ không đáp ứng điều kiện: Hướng dẫn để chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ.

Khi thẩm định hồ sơ, cơ quan cấp giấy phép xác định hồ sơ còn thiếu, hồ sơ không đúng  quy định hoặc không đúng thực tế để thông báo 01 lần bằng văn bản cho người xin Giấy phép bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.

Trong thời hạn 05 ngày sau khi có văn bản thông báo, cơ quan cấp giấy phép thông báo bằng văn bản hướng dẫn cho người xin Giấy phép tiếp tục hoàn thiện hồ sơ.

Người xin cấp Giấy phép  bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo văn bản thông báo. Nếu sau khi bổ sung hồ sơ vẫn không đáp ứng được điều kiện thì trong 03 ngày, cơ quan cấp giấy phép thông báo đến chủ đầu tư về lý do không cấp giấy phép.

Bước 3: Cấp Giấy phép xây dựng

Trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan quản lý nhà nước được hỏi ý kiến trả lời bằng văn bản. Nếu các cơ quan trên không có ý kiến thì được coi là đã đồng ý và phải chịu trách nhiệm về những nội dung thuộc quản lý của mình. Cơ quan cấp giấy phép quyết định việc cấp giấy phép xây dựng;

Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan cấp giấy phép xem xét hồ sơ để cấp giấy phép trong 15 ngày.