Theo quy định, từ tháng 6 sẽ có những trường hợp sau bị thu hồi bằng lái xe, phạt tiền rất nặng.
Giấy phép lái xe là gì?
Giấy phép lái xe (GPLX) hay còn gọi là bằng lái xe là một loại giấy phép, chứng chỉ do cơ quan nhà nước hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp cho một cá nhân cụ thể. Loại giấy này cho phép người đó được phép vận hành, lưu thông, tham gia giao thông bằng xe cơ giới các loại như xe máy, xe mô tô phân khối lớn, xe ô tô, xe tải, xe buýt, xe khách, xe container hoặc các loại hình xe khác trên các con đường công cộng.
Quy định về giấy phép lái xe ở các quốc gia tuy có khác nhau tùy vào đặc thù của mỗi nước nhưng nhìn chung để nhận được GPLX, người xin cấp giấy phép lái xe cần trải qua nhiều thủ tục pháp lý như nộp đơn xin cấp, phải trải qua một bài kiểm tra lái xe hoặc những kỳ thi sát hạch về lái xe nghiêm ngặt (tùy yêu cầu của từng loại phương tiện) và các thủ tục khác. Sau khi được cấp GPLX, người đó mới có quyền (về mặt pháp lý) để tham gia giao thông bằng phương tiện xe.
Giấy phép lái xe thông thường được cấp căn cứ vào độ tuổi nhất định. Khi một người vi phạm Luật giao thông, cảnh sát giao thông có thể yêu cầu xuất trình giấy phép lái xe để kiểm tra. Một số quy định pháp luật ở các nước có hình thức xử phạt tịch thu hoặc tước GPLX có thời hạn hay không có thời hạn (tạm giữ bằng lái).
Giấy phép lái xe (GPLX) hay còn gọi là bằng lái xe là một loại giấy phép, chứng chỉ do cơ quan nhà nước hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp cho một cá nhân cụ thể
Những trường hợp bị thu hồi bằng lái xe từ 6/2024
Có hành vi gian dối để được cấp bằng lái xe
Đây là trường hợp đã được quy định tại khoản 14 Điều 33 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT (được sửa đổi bởi điểm b khoản 19 Điều 1 Thông tư 38/2019/TT-BGTVT). Theo quy định tại điểm g, Khoản 3, Điều 37 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, đối với hành vi khai báo gian dối để được cấp bằng lái xe sẽ có thể bị phạt từ 03 – 05 triệu đồng.
Bên cạnh đó, người có hành vi vi phạm sẽ không được cấp bằng lái trong thời hạn 05 năm kể từ ngày phát hiện vi phạm. Nếu có nhu cầu được cấp lại, người dân sẽ phải học và thực hiện sát hạch lại như trường hợp cấp giấy phép lần đầu.
Thậm chí, nếu cố tình làm giả hoặc sử dụng các giấy tờ giả để được thi bằng lái thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 số 100/2015/QH13 (sửa đổi, bổ sung bởi Điều 1 Bộ luật Hình sự sửa đổi 2017).
Theo đó, người có hành vi vi phạm có thể bị phạt lên đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ 3 năm hoặc phạt tù lên tới 7 năm.
Có hành vi tẩy xóa, làm sai lệch thông tin trên giấy phép lái xe
Đây cũng là một trong những trường hợp sẽ bị thu bằng lái được quy định tại khoản 14 Điều 33 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT (được sửa đổi bởi điểm b khoản 19 Điều 1 Thông tư 38/2019/TT-BGTVT). Cụ thể, người thực hiện hành vi tẩy xóa, làm sai lệch thông tin trên giấy phép lái xe cũng sẽ không được cấp bằng trong 5 năm.
Nếu có nhu cầu cấp lại giấy phép lái xe thì người dân cũng sẽ phải học và sát hạch như trường hợp cấp giấy phép lái xe lần đầu.
Bên cạnh đó, căn cứ vào Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP, trường hợp tự ý tẩy xóa làm sai lệch thông tin trên giấy phép lái xe sẽ có thể bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng với xe máy, 4-6 triệu đồng với xe mô tô 03 bánh và từ 10-12 triệu đồng với ô tô.
Cho người khác sử dụng giấy phép lái xe của mình
Đây là một trong những điểm mới được quy định tại Thông tư 05/2024/TT-BGTVT so với Thông tư cũ. Theo đó, sau 1 năm kể từ ngày quyết định thu hồi bằng lái có hiệu lực, người dân nếu có nhu cầu cấp Giấy phép lái xe mới thì phải đăng ký với Sở giao thông vận tải để học và thực hiện thi sát hạch lại.
6 trường hợp bị thu hồi bằng lái xe
Cơ quan có thẩm quyền cấp cho người không đủ điều kiện
Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 7 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, người học lái xe cần đảm bảo các điều kiện sau để được cấp giấy phép lái xe bao gồm:
(1) Là công dân Việt Nam, người nước ngoài đang cư trú hoặc đang học tập làm việc tại Việt Nam.
(2) Đủ tuổi, sức khỏe và trình độ văn hóa theo quy định.
Theo đó, Điều 59, Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 23/2008/QH12 quy định 2 trường hợp không được cấp giấy phép lái xe bao gồm:
– Người dưới 18 tuổi chưa được lái xe máy/ô tô.
– Người không đủ tiêu chuẩn về sức khỏe/mắc các bệnh rối loạn về tâm thần.
Như vậy, đối với giấy phép lái xe đã được cấp cho người dưới 18 tuổi hoặc người không đủ điều kiện về sức khỏe hay mắc các bệnh về rối loạn tâm thần, cơ quan chức năng sẽ thu hồi lại và không được cấp lại bằng lái trong 05 năm kể từ ngày phát hiện ra vi phạm.
Sai sót về thông tin trên giấy phép như thông tin về họ tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch nơi cư trú, hạng giấy phép lái xe, giá trị bằng lái, ngày trúng tuyển, người ký
Theo Điều 36, Điều 38 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, đối với trường hợp sai sót về thông tin trên giấy phép lái xe, việc thu hồi sẽ được thực hiện như sau:
– Đối với Giấy phép lái xe còn thời hạn sử dụng hoặc quá hạn dưới 3 tháng: đổi giấy phép lái xe.
– Đối với Giấy phép lái xe quá hạn trên 03 tháng: cấp lại Giấy phép lái xe.
Phát hiện trong cơ thể người điều khiển phương tiện có ma túy thông qua việc khám sức khỏe của Cơ quan có thẩm quyền.
Theo đó, trong vòng 5 ngày làm việc kể từ thời điểm nhận được Quyết định thu hồi bằng lái, người lái xe phải nộp giấy phép bị thu hồi đến cơ quan chức năng để thu hồi và thực hiện hủy bỏ theo quy định.
Tương tự như các trường hợp trên, nếu phát hiện trong cơ thể người điều khiển phương tiện giao thông có ma túy, người lái xe sẽ bị thu hồi bằng và không được cấp lại bằng lái trong thời hạn 5 năm kể từ ngày phát hiện vi phạm.