Nếu cho luôn tôm vào ngăn đá, sau một thời gian tôm cũng hỏng, chuyển màu đen. Muốn bảo quản tôm được lâu mà vẫn tươi ngon bạn có thể dùng cách này.

Cấp đông tôm

Tôm sau khi mua về bạn rửa sạch rồi chia thành những phần vừa đủ để chế biến trong 1 lần. Sau đó cho từng phần tôm vào trong hộp đựng thực phẩm rồi đổ nước vào và đóng chặt nắp. Cuối cùng đem bỏ vào ngăn đá tủ lạnh. Nếu không có hộp đựng thực phẩm bạn có thể dùng chai nhựa thay thế.

Muốn cấp đông nhanh và giữ được độ tươi của tôm bạn cho đá cục vào rồi mới đổ nước. Làm như vậy thì tôm đông đá nhanh hơn và tránh được tình trạng tôm bị bỏng lạnh bất ngờ dẫn đến tôm bị đen, không còn tươi.

Với cách này tôm giữ được độ tươi ngon mà tủ lạnh không có mùi. Thời gian bảo quản có thể lên tới gần 6 tháng. Khi đem ra chế biến, bạn để nước tan từ từ là được. Tôm đông lạnh thì không nên ăn sống vì trong tôm có chứa vi khuẩn. Do đó bạn nên xào, nấu hoặc chiên chín rồi mới ăn.


Bảo quản tôm với đá lạnh

Tôm mua về bạn cũng rửa sạch rồi cho vào hộp nhựa có nắp đậy. Tiếp đến bạn cho vào 1 viên đá lạnh và đậy nắp hộp lại rồi để trong ngăn đông tủ lạnh.

Với cách bảo quản này tôm có thể để được 1-2 tháng mà vẫn tươi ngon. Khi chế biến bạn lấy tôm ra khỏi tủ lạnh để nhiệt độ phòng để tôm rã đông.



Bảo quản tôm cùng với muối

Cũng tương tự như 2 cách trên, tôm sau khi mua về bạn rửa sạch rồi cho vào hộp nhựa có nắp đậy. Tiếp đến bạn cho 1 thìa cà phê muối vào, đậy nắp lại cho muối thấm đều vào tôm. Sau đó để tôm vào ngăn đá tủ lạnh.

Tôm bảo quản theo cách này vẫn giữ được màu sắc tươi ngon và độ mềm. Thời gian bảo quản từ 2-3 tuần. Nếu để lâu hơn muối sẽ làm tôm bị mặn, khi chế biến sẽ không ngon. Với cách bảo quản này bạn có thể chế biến thành tôm rang, tôm kho.

Cách chọn tôm tươi sống ngon

Thời gian bảo quản tôm cũng phụ thuộc vào việc bạn có chọn được tôm tươi ngon không. Vì vậy, khi chọn tôm bạn cũng nên lưu ý:

– Vỏ tôm tươi: vỏ ngoài trong suốt còn hơi mùi của nước biển. Không chọn những con tôm có mảng màu tối hay có màu sắc không đồng nhất.

– Tôm không chảy nhớt: Chọn những con tôm có phần thân hơi cong nhấc lên không bị chảy nhớt.

– Kiểm tra chân tôm, đầu tôm, đuôi tôm: Chọn những con tôm có đuôi xếp lại với nhau. Không chọn những con có đuôi bị xòe vì có thể đã bị bơm hóa chất hoặc tiêm nước làm cho tôm mập mạp. Đầu tôm và thân tôm dính chặt với nhau, đầu tôm không rơi ra khỏi thân tôm. Tôm tươi và không bị bơm hóa chất có phần thân hơi cong, không mập mạp bất thường nhưng căng thịt. Các khớp vỏ trên thân tôm linh hoạt, không bị rời rạc.