Chưa vào cao điểm nắng nóng, nhiều người đã lo lắng làm sao sử dụng điều hòa hợp lý để tiết giảm chi phí sinh hoạt. Chuyên gia của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ bày cách lắp đặt, dùng điều hòa tiết kiệm điện nhất.
Điều hòa giá rẻ có tiết kiệm điện?
Hơn một tháng nữa mới bước vào cao điểm nắng nóng nhưng chị Nguyễn Thị Hoa (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã phải tính toán việc lắp thêm một điều hòa tại phòng khách. Chị cho hay, nếu để đến khi nắng nóng gay gắt, việc lắp điều hòa sẽ mất nhiều thời gian chờ đợi và tốn chi phí hơn.
Nhưng quan trọng hơn, việc lắp điều hòa loại nào, thương hiệu nào để tiết kiệm tối đa số tiền bỏ ra mua, chi phí sử dụng hàng tháng mới là điều chị Hoa băn khoăn nhất.
Sau khi khảo sát, chị Hoa thấy trên thị trường hiện chia ra hai các phân khúc điều hòa, với giá khác nhau như Panasonic, Daikin,… từ 12 triệu đồng trở lên cho công suất 12.000 BTU, còn loại rẻ hơn gần một nửa như Casper, Comfee,… Chị lo ngại, với điều hòa giá rẻ liệu có tiết kiệm điện tốt như các thương hiệu lớn?
Bởi, nếu lắp đặt điều hòa giá rẻ sẽ giúp giảm chi phí ban đầu cho gia đình, nhưng khi sử dụng mà hiệu suất không cao có thể khiến tiền điện hàng tháng bị đội lên.
“Thời gian bật điều hòa khi trời nắng nóng sẽ tăng lên rất nhiều, ham mua điều hòa giá rẻ mà hiệu suất không cao có khi tiền điện còn nhiều tiền hơn cả tiền mua điều hòa giá đắt”, chị Hoa bày tỏ.
Anh Công (Hà Đồng, Hà Nội), một thợ lắp đặt điều hòa có nhiều năm kinh nghiệm, cho hay, vài năm gần đây, nhiều hộ gia đình chọn lắp đặt điều hòa giá rẻ của một số thương hiệu mới nổi trên thị trường. Anh nhận xét, vẫn chưa đủ thời gian để khẳng định độ bền của những thương hiệu này so với các thương hiệu lớn như Panasonic, Daikin, LG, Toshiba,…
Còn về hoạt động của máy trong khi sử dụng, anh Công cho rằng, điều hòa của thương hiệu mới nổi thường ồn hơn các thương hiệu có uy tín. Chưa kể, các hãng mới cần có thời gian để hoàn thiện về hiệu năng tiết kiệm điện.
Lãnh đạo EVN bày cách sử dụng điều hòa tiết kiệm điện
Tại Tọa đàm trực tuyến về cung ứng điện do báo VietNamNet tổ chức ngày 8/4, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đã chia sẻ cách sử dụng điều hòa sao cho tiết kiệm điện nhất, đặc biệt trong những ngày nắng nóng,
Ông Dũng cho hay, đối với máy lạnh và các thiết bị làm mát, chúng ta chỉ sử dụng vào mùa nắng nóng, đôi khi chỉ kéo dài từ 3-5 tháng. Chính vì không sử dụng liên tục nên chúng ta quên mất các tính năng, kỹ năng tiết kiệm điện, tiết kiệm thế nào cho hiệu quả.
Vị chuyên gia của EVN đã đưa ra một số lời khuyên về việc lựa chọn thiết bị điều hòa. Đơn cử, khi chọn mua và sử dụng điều hòa công nghệ mới Inverter có dán nhãn tiết kiệm năng lượng, chi phí tiền điện có thể giảm từ 15-30%.
Ngoài ra, việc vệ sinh định kỳ điều hòa cũng góp phần nâng cao hiệu suất sử dụng của thiết bị lạnh, giảm được chi phí tiền điện. Chúng ta nên vệ sinh định kỳ 3-6 tháng/lần, qua đó, có thể giảm từ 10-15% tiền điện.Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh EVN.
Đặc biệt, trong khi sử dụng điều hòa, ông Dũng lưu ý nên đặt nhiệt độ từ 26-27 độ trở lên.
“Nếu chúng ta giảm 1 độ của điều hòa, ví như từ 26 độ xuống 25 độ, thì điện năng tiêu thụ tăng thêm 3% và đây là con số rất lớn. Do đó, nếu biết cách sử dụng điều hòa đúng cách thì sẽ tiết kiệm, hiệu quả, mang lại lợi ích lâu dài đối với hộ gia đình và xã hội”, ông Dũng nói.
Ông Dũng đánh giá, sử dụng điều hòa vào mùa hè chiếm khoảng 50-70% tổng nhu cầu sử dụng điện với các hộ gia đình. Nếu hộ gia đình sử dụng 200 số một tháng, khi dùng điều hòa, số điện sẽ cộng vào các bậc sau, do đó tăng lên rất nhiều mà khách hàng chỉ cảm nhận được khi đọc hóa đơn tiền điện.
Cụ thể, đối với điều hòa công suất 12.000 BTU, tương đương khoảng 1,2kWh, nếu một ngày sử dụng 8 giờ, trong một tháng sẽ dùng 288 số điện. Nếu hộ gia đình sử dụng ở bậc 2, thì dùng máy lạnh sẽ phải ở bậc 3 bậc 4. Nếu lấy giá điện ở bậc 3, chi phí tăng thêm cho riêng một điều hòa là 624.000 đồng.
Nếu áp với hộ gia đình đã dùng giá điện ở bậc 5 thì toàn bộ mức điện năng này được tính với giá bậc 6. Với 288 kWh tăng thêm, mỗi tháng khách hàng phải thanh toán thêm 907.000 đồng.
Vì thế, ông Dũng nhấn mạnh, tiết kiệm điện là chính sách quan trọng, nhất quán, lâu dài, liên tục đối với Việt Nam và các quốc gia trên thế giới. Đối với các doanh nghiệp, tiết kiệm điện có tác dụng rất lớn trong việc giảm chi phí giá thành sản phẩm, nhờ đó tăng tính cạnh tranh của sản phẩm. Đối với hộ gia đình, tiết kiệm điện giúp khách hàng giảm chi phí sinh hoạt.
Đối với hệ thống điện, việc khách hàng giảm bớt tiêu thụ trong những mùa cao điểm sẽ giúp cho hệ thống đảm bảo cân đối cung cầu, giảm nguy cơ sự cố, đảm bảo cung ứng đủ điện phát triển kinh tế.
Một vấn đề không kém phần quan trọng, ông Dũng chia sẻ, nếu chúng ta giảm nhu cầu sử dụng có thể không phải huy động những nguồn điện với giá thành cao, đỡ tạo áp lực lên giá điện.