Loại rau được nhắc đến ở đây là rau dền đỏ. Rau này có nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, giúp thanh nhiệt, giải độc, có lợi cho tiêu hóa.
Theo Đông y, rau dền đỏ có vị ngọt, tính hàn, giúp thanh nhiệt, mát gan, ích khí. Loại rau này có nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe, giúp kháng viêm, ổn định hoạt động của hệ tiêu hóa, ổn định đường huyết, giảm cholesterol trong máu, ngăn ngừa loãng xương…
Trên thực tế, chúng ta có nhiều loại rau dền khác nhau như rau dền trắng, rau dền gai, rau dền cơm, rau dền đỏ… Trong số đó, rau dền đỏ được xem là loại có giá trị dinh dưỡng cao hơn cả, nhất là về lượng canxi và sắt.
Rau dền đỏ chứa nhiều canxi và sắt tốt cho sức khỏe.
100 gram rau dền đỏ có thể cung cấp khoảng 5,40 mg sắt (theo bảng thành phần thực phẩm Việt Nam của Viện Dinh dưỡng). Đây là lượng sắt cao gấp 4 lần so với thịt bò (100 gram thịt bò chỉ cung cấp 1,78 mg sắt).
Ngoài ra, hàm lượng canxi trong rau dền đỏ cũng cao. 100 gram rau dền đỏ có thể chứa 288 mg canxi. Đây là lượng canxi đủ đáp ứng 50% canxi trong một ngày của một người.
Trong Đông y, rau dền đỏ cũng được dùng làm thuốc điều trị bệnh. Ví dụ đối với việc điều trị tăng huyết áp, người ta sẽ lấy 20 gram rau dền đỏ, 20 gram mã đề non, 20 gram lá dâu bánh tẻ, tất cả rửa sạch, cho vào nồi và nấu chín thành canh, nêm nếm gia vị vừa ăn.
Dùng 50 gram rau dền đỏ nấu chín, chắt lấy nước. Dùng nước này nấu với gạo nếp để làm thành cháo. Món cháo này tốt cho phụ nữ sau sinh bị nóng trong, táo bón.
Rau dền đỏ không chỉ có màu sắc bắt mắt mà còn có tác dụng mát gan, giải nhiệt. Tuy nhiên, khi ăn loại rau này, chúng ta cũng cần chú ý một số điểm để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe.
Rau dền đỏ tốt cho sức khỏe nhưng khi ăn cũng cần lưu ý một số điểm.
Không ăn rau dền sống. Loại rau này có chứa nhiều dinh dưỡng như ăn sống sẽ làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Rau dền có tính mát, ăn sống có thể gây ra tình trạng tì vị hư hàn, tăng kích thích ở tì vị dạ dày và dẫn tới tình trạng khó tiêu, đay hơi hoặc tiêu chảy.
Ăn rau dền sống có thể làm ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ canxi của cơ thể. Mặc dù lá rau dền chứa nhiều canxi nhưng chúng cũng chứa cả axit oxalic. Ăn rau dền sống sẽ làm canxi kết hợp với axit oxalic tạo thành canxi oxalat không hòa tan và làm giảm khả năng hấp thụ canxi của cơ thể.
Cũng vì những lý do này mà bạn nên tránh dùng rau dền để xay sinh tố hoặc ép lấy nước uống.
Ngay cả khi được nấu chín, lượng axit oxalic trong rau vẫn còn tồn tại ở một mức nhất định. Nếu ăn quá nhiều rau dền, axit oxalic trong rau có thể cản trở sự hấp thu canxi và kẽm. Ngoài ra, nó cũng làm tăng khả năng hình thành sỏi oxalate và gây ra bệnh sỏi thận.
Vì vậy, những người bị viêm khớp dạng thấp, người bị bệnh gout, sỏi thận nên hạn chế sử dụng rau dền.
Chỉ nên ăn rau dền ở lượng vừa phải, khoảng 3-4 bữa/tuần là đủ. Đặc biệt lưu ý, phải nấu chín rau dền trước khi ăn.