Thói quen này là tác nhân gây ra nhiều vấn đề cho sức khỏe, trong đó có huyết áp, tim mạch, thậm chí là bệnh nan y.
Đó chính là việc nêm nhiều muối, thích ăn đậm đà, nhạt tí là than nhạt nhẽo ít muối.
Thói quen rất hại sức khỏe của người Việt khi nấu ăn khiến thế giới lắc đầu
Nhiều người luộc rau cũng bỏ muối để rau xanh, vị đậm đà, nước canh hấp dẫn hơn. Ấy thế nhưng sau đó khi ăn thì vẫn cần chấm bát nước mắm hoặc tương. Tất nhiên, trong những thứ nước chấm ấy vẫn có muối.
Rồi trong mâm cơm đâu phải chỉ có mỗi món rau luộc mà đủ món khác từ cá kho, thịt kho, cà muối, món xào… Tất cả đều cần cho thêm muối mắm thì ăn mới ngon miệng được. Thói quen này có từ lâu rồi chứ không phải bây giờ mới có.
Và theo khảo sát của Bộ Y tế thì hiện nay, trung bình mỗi người Việt đang ăn thừa gấp 2 – 3 lần lượng muối theo khuyến nghị của WHO là 5g/ngày. Nhiều năm qua, hậu quả do thói quen này đã rõ ràng qua các con số mắc bệnh nhưng nhiều người vẫn còn khá thờ ơ.
Các bác sĩ đều nhận mạnh việc sử dụng quá nhiều muối trong các món ăn hằng ngày, tích lũy trong thời gian dài gây ra nhiều hậu quả khôn lường như gia tăng đột quỵ, các bệnh về thận, cao huyết áp, ung thư dạ dày,…
Theo ước tính của WHO, năm 2017 Việt Nam có 541.000 người mất. Trong đó, nguyên nhân do các bệnh không lây nhiễm chiếm tới 76%, đứng đầu là các vấn đề về tim mạch, đái tháo đường, khối u, loãng xương, gout… Tất cả những bệnh này đều có thể liên quan tới dư thừa muối.
Hiệp hội Tim Mạch Việt Nam cũng cảnh báo: Tim mạch đang là nguyên nhân dẫn đầu khiến 17 triệu người mất mỗi năm. Con số này chiếm gần 1/3 tổng số người mất trên toàn thế giới. Nguyên nhân gây ra cao huyết áp thì nhiều nhưng thói quen ăn mặn là yếu tố đứng đầu. Đáng trách là việc ăn mặn lại xuất phát từ việc nấu nướng cho quá nhiều muối của chị em.
Để làm giảm nguy cơ dẵn tới các vấn đề sức khỏe do thói quen này, GS. TS Nguyễn Lân Việt (Chủ tịch Hội Tim mạch VN) khuyến cáo, có 9 nguyên tắc ‘nhỏ bé’ chị em cần nhớ khi nấu ăn cho gia đình như sau:
+ Nên nêm nếm thức ăn trước khi cho gia vị để đảm bảo không cho quá nhiều muối.
+ Không chỉ muối mà mì chính cũng có nhiều natri nên hạn chế sử dụng.
+ Hạn chế dùng thức ăn nhanh, dưa cà muối, đồ chế biến sẵn vì hàm lượng natri cao.
+ Ăn nhiều rau củ quả tươi.
+ Ưu tiên chọn thực phẩm tươi hay vì món ăn mặn thường ngày được chế biến sẵn.
+ Ăn đồ luộc, hấp thay vì các món kho, rang, rim…
+ Giảm muối trong nấu nướng, chế biến thực phẩm một cách từ từ để vị giác thích nghi dần.
+ Hạn chế chấm nước mắm, bột canh, nếu chấm thì nên pha loãng và có thể thêm chanh, tỏi, ớt để tăng vị giác, giảm cảm giác không vừa việc do thiếu vị mặn.
+ Nên dùng muối I ốt để phòng bướu cổ, thiểu năng trí tuệ…
Ngoài cho nhiều muối thì cũng còn có một thói quen của chị em khi nấu nướng mà CDC Mỹ cảnh báo có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, ngộ độc
Đó chính là thói quen không rửa tay thường xuyên, đúng cách khi chế biến nấu nướng. Chúng ta thường chỉ rửa tay trước khi nấu ăn và sau khi nấu xong chứ không phải làm xong việc gì cũng rửa.
Chẳng hạn, chúng ta rửa tay sạch sẽ rồi chặt thịt gà, ướp gà, nấu nướng rồi lại chuyển ngay sang nhặt rau, rửa rau… Có người cẩn thận chút thì rửa qua tay với nước sạch rồi rửa rau, có người lại lau tay vào tạp dề, khăn rồi rửa rau, rửa hoa quả… Bởi, chúng ta vẫn nghĩ đồ ăn mình nấu chín rồi mới ăn, chẳng sao cả.
Tuy nhiên, theo CDC Mỹ, rửa tay là hành động cực kỳ quan trọng để ngăn chặn tình trạng ngộ độc thực phẩm khi chế biến thức ăn. Bởi, bàn tay có thể lây lan vi khuẩn trong nhà bếp, mà đơn cử như Salmonella.
Theo PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên giảng viên Viện công nghệ Sinh hoc và Thực phẩm, ĐH Bách Khoa HN) cho hay: Mỗi lần tiếp xúc với thịt hoặc thực phẩm dạng sống nói chung thì chúng ta cần rửa tay bằng xà phòng.
‘Nếu không đảm bảo rửa tay đúng cách trong thời gian ở nhà bếp thì nguy cơ lây nhiễm chéo rất cao. Do đó, cả gia đình có nguy cơ phải kéo nhau vào viện do nhiễm độc từ thực phẩm’, ông nói.