Ái Duyên, 25 tuổi, tốt nghiệp thủ khoa ngành Kinh tế, Đại học Teikyo, Nhật Bản, tiếp nối thành tích của anh trai.

Nguyễn Ngọc Ái Duyên nhận bằng tốt nghiệp với danh hiệu thủ khoa hôm 21/3. Cách đây hai năm, Nguyễn Duy, anh trai Duyên, cựu sinh viên của trường, cũng đạt thành tích này.

“Em xúc động. Kết quả đã bù đắp cho sự cố gắng của em những năm qua”, Duyên nói.

Buổi lễ tốt nghiệp có sự chứng kiến của anh trai Duyên. Ngày 1/4 tới, hai anh em bắt đầu hành trình mới khi Duyên sang Trung Quốc học ngành Giáo dục Hán ngữ với học bổng Khổng Tử, còn Duy nhận học bổng tiến sĩ tại Đại học Tokyo, xếp hạng 28 thế giới.

Duy tới dự lễ tốt nghiệp của em gái Đại học Teikyo, Nhật Bản, hôm 21/3. Ảnh: Phạm Chí Viễn

Duy tới dự lễ tốt nghiệp của em gái Đại học Teikyo, Nhật Bản, hôm 21/3. Ảnh: Phạm Chí Viễn

Năm 2016, Duy sang Nhật học tiếng hai năm. Với kết quả xuất sắc, anh được nơi dạy tiếng tiến cử vào Đại học Teikyo. Duy sau đó tốt nghiệp thủ khoa ngành Kinh tế rồi nhận học bổng thạc sĩ của Đại học Hitotsubashi.

Sớm nhìn thấy cơ hội học tập của anh, Duyên cũng mơ ước du học. Năm 2018, nữ sinh đỗ khoa tiếng Pháp, Đại học Cần Thơ, nhưng quyết định từ bỏ để sang Nhật.

Ban đầu, Duyên học tiếng ở trường Ngôn ngữ Nhật Unitas, Tokyo. Dù đã học tiếng Nhật vài tháng trước khi sang, Duyên vẫn không giao tiếp và nghe hiểu được. Em xin làm thêm ở quán cơm hộp, hàng ngày mang thực đơn về nhà để đọc và ghi nhớ từ vựng. Một tháng sau, Duyên có thể tự tin nghe điện thoại của khách.

Nhờ chăm chỉ, Duyên nằm trong top 3 của lớp về kết quả học tập. Cô cũng được hiệu trưởng của trường tiến cử vào Đại học Teikyo với học bổng 30% học phí.

Đại học Teikyo là ngôi trường có độ ảnh hưởng (IF) cao thứ năm trong các trường tư ở Nhật, theo xếp hạng của THE năm 2023. Để duy trì học bổng, nữ sinh phải giữ thành tích ổn định, với điểm trung bình học tập (GPA) từ 2.9/4 trở lên.

Từ kinh nghiệm học tập của mình, Duy hỗ trợ em gái ngay từ năm thứ nhất. Duyên được anh hướng dẫn đăng ký môn học sao cho hiệu quả. Chương trình gồm các môn bắt buộc và môn tự chọn. Những môn bắt buộc thường khó, do đó thay vì học tất cả môn này vào năm đầu, Duyên chia đều để học trong ba năm.

“Tôi chỉ định hướng, còn Duyên phải tự lực cánh sinh”, anh Duy cho biết.

Duyên mặc trang phục truyền thống của Nhật nhận bằng tốt nghiệp đại học hôm 21/3. Ảnh: Phạm Chí Viễn

Duyên mặc trang phục truyền thống của Nhật nhận bằng tốt nghiệp đại học, hôm 21/3. Ảnh: Phạm Chí Viễn

Trong các môn học, Duyên thấy Kinh tế vĩ mô và Kinh tế vi mô là khó nhất. Không giỏi Toán, lại gặp nhiều từ tiếng Nhật chuyên ngành nên cô khá chật vật. Nữ sinh cũng phải làm quen với cách học ở đây, nhất là kỹ năng làm việc nhóm.

Duyên ưu tiên cho việc học nhưng để trang trải chi phí nên cứ 17-18h mỗi ngày, cô lại đi làm thêm, tới 23h30 mới về. Vì thế, Duyên tranh thủ những tiết trống ở trường và trên tàu điện để học. Chỗ nào chưa hiểu, Duyên tìm đọc thêm tài liệu, thường xuyên hỏi và nhờ giáo viên chỉ bảo thêm.

“Không có cách nào khác ngoài cố gắng. Nếu trượt môn, tôi sẽ mất luôn học bổng”, Duyên chia sẻ.

Duyên cho hay thấy áp lực vì có anh trai học giỏi và luôn đưa ra hạn chót với em gái trong việc hoàn thành các khóa học. Cô phải tự xoay xở và chỉ được anh trợ giúp khi đã hết cách.

Nhờ sự nghiêm khắc và kế hoạch chi tiết của anh trai, Duyên dần đạt được các mục tiêu trong học tập như có chứng chỉ kế toán Boki, GPA bốn năm đạt 3.61/4, chứng chỉ năng lực Hán ngữ cấp 5/6 với 200/300 điểm.

Với kinh nghiệm làm việc cho các tổ chức phi chính phủ, dự án kinh doanh, phiên dịch cho đài truyền hình NHK, Duy nắm bắt được xu hướng công việc nên hướng em gái học tiếng Trung và xin học bổng du học Trung Quốc. Theo anh, các sinh viên đều biết tiếng Nhật và tiếng Anh, nếu có thêm tiếng Trung, Duyên sẽ khác biệt.

Giáo sư Rieko Matsuoka, Đại học Teikyo, tự hào khi dạy anh em Duy môn tiếng Anh và một số môn thuộc chương trình ECCP dành cho top 1% sinh viên có GPA cao nhất trường. Bà cho biết cả hai được xem là trường hợp anh em đầu tiên cùng tốt nghiệp thủ khoa của trường.

“Họ là sinh viên xuất sắc. Tôi rất thích khi có họ trong lớp”, bà Rieko chia sẻ.

Là thầy giáo cũ của Duy và Duyên ở trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, thầy Trương Sơn cho hay hai anh em là điển hình cho sự cố gắng và thành công trong học tập, truyền cảm hứng cho bạn bè trong trường.

“Tôi hy vọng họ sẽ tiếp tục thành công trong tương lai, mang lại đóng góp tích cực cho xã hội”, thầy Sơn, hiện là Hiệu trưởng trường THPT Long Xuyên, nói.

Ngày Duyên đặt chân đến Nhật cũng chính là ngày mẹ mất. Khi đó, sợ em đòi về, Duy giấu Duyên, mãi một tuần sau mới báo tin. Duyên luôn nhớ trước lúc đi, mẹ nằm trên giường bệnh, động viên con gái cố gắng học.

Hai anh em vừa trở về Việt Nam trong ngày giỗ mẹ. Anh Duy cho biết đã cùng bạn mở trung tâm tư vấn du học Nhật miễn phí, và dự định lập quỹ học bổng để giúp đỡ những học sinh có ước mơ du học nhưng không có điều kiện. Anh cũng có kế hoạch trở về trường cũ làm giảng viên sau khi học xong tiến sĩ. Hiện anh học thêm các khóa học về dữ liệu và lập trình để hỗ trợ cho công việc của mình.

Bí quyết thành công của Duy là tập trung một việc trong khoảng thời gian ngắn để đạt hiệu quả thay vì dàn trải nhiều việc cùng lúc. Ngoài ra, anh tích cực xây dựng mối quan hệ bạn bè, thầy cô để có động lực học tập cùng cơ hội việc làm tốt.

Còn Duyên muốn trở lại Nhật sau này và theo con đường học thuật.

“Em tin mẹ vẫn luôn dõi theo hai anh em và mỉm cười trước những gì chúng em làm được”, Duyên tâm sự.